Hà Nội xem lại việc trồng cây xanh

Sau khi xảy ra tình trạng hàng loạt cây cổ thụ đổ ngổn ngang trên các tuyến phố giữa trung tâm thủ đô vào chiều 17-8 và sáng 19-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo Công ty TNHH Công viên cây xanh và Sở Xây dựng Hà Nội rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn Hà Nội, nếu không đảm bảo an toàn phải tiến hành thay thế ngay.
Hà Nội xem lại việc trồng cây xanh

(SGGP).– Sau khi xảy ra tình trạng hàng loạt cây cổ thụ đổ ngổn ngang trên các tuyến phố giữa trung tâm thủ đô vào chiều 17-8 và sáng 19-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo Công ty TNHH Công viên cây xanh và Sở Xây dựng Hà Nội rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn Hà Nội, nếu không đảm bảo an toàn phải tiến hành thay thế ngay.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu tại những đường phố mới phải trồng những cây rễ cọc, đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy định. Đồng thời, chuẩn bị đủ trang thiết bị để khắc phục ngay khi có cây đổ. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị. Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội và các đơn vị liên quan cần rà soát lại cơ chế vận hành các trạm bơm và đập Thanh Liệt, khẩn trương nâng cấp trạm bơm Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) bằng vốn ngân sách để tăng khả năng tiêu thoát cho khu vực nội thành.

Đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) bị ngập nặng do mưa lớn kéo dài vào sáng 19-8. Ảnh: D.Ch.

Đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) bị ngập nặng do mưa lớn kéo dài vào sáng 19-8. Ảnh: D.Ch.

Liên quan tới hoàn lưu bão số 5 vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội có gần 200 cây đổ, so trận ngập lụt lịch sử vào tháng 11-2008 cũng chỉ có 88 cây đổ.

Hôm qua 20-8, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục họp về sự cố sụp lún trên đường Lê Văn Lương nối dài. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đã xác định 2 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ khắc phục sự cố sẽ do Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Ban Quản lý dự án giao thông 2, Tập đoàn Nam Cường và Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (SĐTL) thực hiện. Nhiệm vụ xác định nguyên nhân gây ra sụp lún trên sẽ do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp cùng với các cơ quan kiểm định và giám định độc lập.

Về việc Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư tuyến đường) và Công ty cổ phần SĐTL, đơn vị thi công công trình USilk City vẫn đang đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân của sự cố, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đó chỉ là những nhận định ban đầu của các bên sau khi quan sát thực địa. Kết quả đưa ra phải dựa trên sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, có ý kiến của các chuyên gia Bộ Xây dựng, Bộ GTVT. Dự kiến, kết quả xác định nguyên nhân sự cố và phương án khắc phục sẽ được đưa ra vào ngày 22-8.

Theo thông tin từ Sở GTVT, sau 1 ngày xảy ra sự cố, dù mưa đã hết và khóa nguồn cấp nước nhưng do tại vị trí sụp lở có 2 hệ thống ống cống chảy ra hồ điều hòa, cống vỡ khiến nước thải vẫn tiếp tục chảy về và tràn sang phần móng công trình của SĐTL, toàn bộ khu vực sụp lún vẫn có hiện tượng sụp thêm.

Ph.Văn - B.Quyên

Tin cùng chuyên mục