Hai kịch bản Phiên chợ số và Sóng gió thương trường giống nhau: Nhà văn, nhà biên kịch nói gì?

Hai kịch bản Phiên chợ số và Sóng gió thương trường giống nhau: Nhà văn, nhà biên kịch nói gì?

Vụ việc hai kịch bản phim truyền hình Phiên chợ sốSóng gió thương trường (cùng dài 30 tập) có nhiều điểm giống nhau, vẫn chưa ngã ngũ bên nào copy bên nào. Chúng tôi đã trao đổi với hai nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn và Trầm Hương – hai tác giả có nhiều kịch bản được dựng thành phim phát sóng trên truyền hình thời gian qua.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Kết quả của sự dễ dãi

Hai kịch bản Phiên chợ số và Sóng gió thương trường giống nhau: Nhà văn, nhà biên kịch nói gì? ảnh 1

Một cảnh trong phim “Sóng gió thương trường”.

Trước đây, các hãng phim đài truyền hình (TFS, VFC), mỗi hãng trung bình sản xuất khoảng 150-200 tập phim/ năm. Từ khi xã hội hóa, mỗi năm nở rộ đến 400 - 500 tập phim, dẫn đến tình trạng “đói” kịch bản.

Trường lớp đào tạo người viết kịch bản phim truyền hình đáp ứng đúng công nghệ không kịp, nên không chỉ thiếu biên kịch, mà thiếu cả những người viết đúng bài bản, lành nghề; tạo cơ hội cho những người viết nghiệp dư, chụp giật, xào xáo phim nước ngoài và của nhau.

Báo chí, dư luận đã lên tiếng cảnh báo từ sớm, nhưng không ai “thổi còi”, thậm chí, người ta còn “mở toang cửa” cho dòng phim dễ dãi này tràn ngập trên sóng truyền hình, rồi tự hào về “giờ… phim Việt”. Mấy năm qua, trên màn hình đầy những phim truyện nhiều tập có nội dung, cốt truyện “sao y bản chính” hoặc na ná phim Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) v.v... mà không thấy những người chịu trách nhiệm nói gì, làm gì.

Sự dễ dãi toàn diện từ khâu sản xuất đến khâu phát hành, cộng với việc làm ngơ của các cơ quan hữu trách, ắt dẫn đến việc “chôm chỉa” của nhau một cách vô tư và vẫn tưởng đó là lao động chân chính. Nên, thật kinh ngạc khi báo chí đưa tin về vụ hai kịch bản Phiên chợ sốSóng gió thương trường giống nhau, nhà biên kịch (!) - nghi can xào xáo - đã trả lời hồn nhiên khi được nhà báo phỏng vấn, đại để: tôi và đạo diễn thấy hai kịch bản giống nhau, nhưng nghĩ đó là chuyện nhỏ… nên không phản ứng.

Sự bùng nổ về số lượng, dẫn đến việc đẩy nhanh tiến độ làm phim. Đạo diễn làm phim nhanh như gió cuốn. Biên tập, duyệt kịch bản và phim cũng… gió cuốn. Biên kịch viết cuốn theo chiều gió, nhưng tay nghề hạn chế, vốn sống ít , người viết không lặp lại mình và không ảnh hưởng người khác là chuyện khó, chưa kể những kẻ lợi dụng sự dễ dãi này trở thành chôm chỉa chuyên nghiệp .

Sự giống nhau của Phiên chợ sốSóng gió thương trường, về mặt pháp lý, muốn xem ai đúng, ai sai, ai xào của ai, phải mang bằng chứng, nhân chứng ra so đọ, phân xử. Thực ra, người hiểu nghề, chỉ cần đọc hai kịch bản là biết ngay ai lấy của ai.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như thế. Những năm qua, chúng ta từng chứng kiến một số vụ kiện bản quyền kịch bản phim như: Hôn nhân không giá thú, Tướng cướp Bạch Hải Đường v.v…, do người ngay thì vô tình, kẻ gian thì cố ý, luật bản quyền tuy hiện diện nhưng hội đồng xét xử thiếu kinh nghiệm về chuyên môn (do ít từng trải), nên các phiên xử đều phải kéo dài nhiều năm một cách kỳ lạ .

Gốc của vấn đề vẫn là: nếu không có giải pháp kịp thời chấm dứt sự dễ dãi toàn diện trong việc sản xuất và phát sóng phim truyền hình như hiện nay, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ xâm phạm bản quyền trắng trợn tương tự.

Nhà văn, nhà biên kịch Trầm Hương: Chúng ta phải có ý thức tự bảo vệ

Là người viết kịch bản, lại theo học điện ảnh nên tôi không thích việc người ta đi mua kịch bản của nước ngoài về chế tác lại. Tại sao không khơi nguồn từ chính cuộc sống của mình hôm nay để viết lên những kịch bản máu thịt? Tôi viết những kịch bản tâm huyết, chứ không bao giờ làm chuyện chuyển thể, chế tác. Lại càng không thể chấp nhận được chuyện ăn cắp kịch bản, ý tưởng của người khác.

Sự nở rộ các hãng phim như hiện nay, nhất định có sự cạnh tranh về kịch bản. Mà copy bây giờ tinh vi ghê lắm. Người ta chỉ cần nghe được ý tưởng của một người nào đó là về có thể viết ngay được một kịch bản. Lằn ranh giữa sáng tạo và ăn cắp rất mong manh.

Bây giờ đã có đơn vị cho đăng ký bảo vệ ý tưởng, tác quyền nhưng nhà văn, nhà biên kịch và nghệ sĩ nói chung thường sống lơ mơ, chưa có thói quen đi đăng ký bảo hộ tác quyền ý tưởng, kịch bản, tác phẩm. Khi xảy ra sự việc, mới vỡ ra được bài học, mà đó lại là bài học đắng chát.

Tôi nghĩ, qua vụ việc này, nghệ sĩ, tác giả phải biết ý thức về nghề nghiệp, về sự sáng tạo của mình và phải biết cách tự bảo vệ. Cá nhân tôi cũng rút được nhiều điều cho mình, nhưng tôi vẫn tự tin là những ý tưởng hoặc đề cương sáng tác của mình dù có ai ăn cắp cũng chẳng sinh ra được “đứa con” như chính mẹ đẻ của nó, bởi nó là những tác phẩm đặc thù. 

TÙNG KHANH (ghi)

Tin cùng chuyên mục