Việc khoanh, xóa nợ nhằm mục đích giải tỏa những khoản nợ không có khả năng thu; còn việc khoanh nợ nhằm không tạo ra nợ ảo khi số nợ không có khả năng thu vẫn bị tính tiền chậm nộp tăng lên từng ngày… Đây là việc làm kịp thời, xác định rõ từng loại nợ đọng thuế để xử lý.
Bên cạnh đó, xóa các khoản nợ không có khả năng thu cũng làm minh bạch các khoản nợ, phân loại khoản nợ nào có khả năng thu, phải thu, phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: phong tỏa tài khoản, cấm sử dụng hóa đơn, đề nghị rút giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thậm chí là cưỡng chế phong tỏa tài sản. Thế nhưng, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế đến cuối tháng 9-2020, toàn ngành thu được 20.300 tỷ đồng nợ đọng thuế. Trong khi số tiền nợ đọng vẫn tăng. Cũng theo con số thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 9-2020, tổng nợ thuế lên đến 106.500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu hồi là 60.000 tỷ đồng; tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 46.500 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong số những đối tượng xếp loại nợ không có khả năng thu hồi, ngoài các đối tượng như người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, thì còn có đối tượng là người nộp thuế chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Thứ nhất, nếu người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh được xếp vào đối tượng “không có khả năng thu hồi” và dần dần sẽ đưa vào diện khoanh nợ, xóa nợ. Như vậy sẽ dẫn đến một số doanh nghiệp lập nhiều công ty vệ tinh, mua bán xong bỏ trốn để không phải nộp thuế. Bởi hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp quá dễ, chỉ tốn vài ngày, không cần phải chứng minh địa chỉ trụ sở doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp có ghi tên rất rõ những người góp vốn, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Vậy cớ gì một công dân có danh tính rõ ràng lại không thực hiện nghĩa vụ thuế (kinh doanh có lãi không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; bán hàng hóa thu hộ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt rồi chiếm dụng không trả) lại không bị các cơ quan Nhà nước xử lý; bởi không khó để cơ quan thuế xác định loại thuế còn nợ và không khó để công an vào cuộc truy tìm danh tính và xử lý. Thậm chí, xử lý hình sự nếu những người góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuế Nhà nước (một số loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế do người tiêu dùng nộp thông qua giá mua hàng hóa - doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước).
Những người chiếm dụng thuế của Nhà nước cần phải bị xử lý thích đáng. Có như vậy, hoạt động quản lý Nhà nước mới hiệu lực, hiệu quả. Khi Nhà nước đã có chính sách xóa nợ thuế thì cũng cần gắn với chế tài mạnh để xử lý nghiêm những người cố tình trốn thuế thì ngân sách mới không bị thất thoát.