Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng...
Nghị quyết cũng nêu thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đã được phê duyệt; khẩn trương đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại và chuyển giao để UBND thành phố Hà Nội quản lý, vận hành. Ban hành quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải và tổ chức giao thông. Thực hiện các đề án đã được phê duyệt của Hà Nội và TPHCM về hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân nhằm bảo đảm ATGT, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tai nạn giao thông và vi phạm trật tự an ATGT. Xử nghiêm các vi phạm. Siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Khuyến khích các bến xe xã hội hóa đầu tư (bến xe hiện hữu và các bến xe mới) nâng cấp xây dựng thành bến xe cao tầng, gắn với tổ hợp thương mại, đồng thời tổ chức các loại hình vận tải hành khách khác như xe buýt, taxi, xe du lịch, xe bốn bánh có gắn động cơ (chạy điện hoặc xăng sinh học) để kết nối với điểm đầu, cuối xe buýt khối lượng lớn, ga đường sắt đô thị, ga đường sắt chở khách, cảng hàng không..
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và TPHCM và 7 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, công tác bảo đảm trật tự TAGT đã đạt được những kết quả quan trọng. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, cụ thể năm 2011 số người chết do tai nạn giao thông là 11.349 người thì năm 2018 giảm còn là 8.279 người; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính cũng như tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TPHCM ngày càng trở nên phức tạp…
Vì vậy, để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông.