Diễn biến dịch bệnh có quy luật
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu thực trạng dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới khi có 1 người mắc, 100 người mắc và 1.000 người mắc. Đây là 3 mốc rất quan trọng, có tính quy luật mà nếu không kiểm soát dưới số lượng 1.000 người thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Dẫn chứng số liệu lây nhiễm của nhiều nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, đến thời điểm này, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 382.000 người mắc Covid-19, trong khi vào đầu tháng 3 chỉ có 87.000 người mắc. Dự báo đến cuối tháng 3-2020 con số này sẽ lên đến 500.000 người. Điều này cho thấy, tốc độ lây nhiễm trên toàn cầu rất lớn. Trong đó, số người mắc Covid-19 ở Mỹ trong tháng 3-2020 là hiện tượng chưa từng có. Chỉ trong vòng 1 tháng, số người mắc Covid-19 ở nước này từ 100 người (ngày 3-3) thì đến cuối tháng có thể tăng thành 90.000 người.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tốc độ lây lan như trên rất khủng khiếp và không ai lường được. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, diễn biến dịch bệnh này có quy luật. Trở lại Việt Nam, tính đến nay cả nước có 134 người mắc (17 người đã điều trị khỏi), nghĩa là Việt Nam đã bước qua giai đoạn 100 người mắc. Từ quy luật trên cho thấy, ở các nước bình quân trong 10 ngày số người mắc sẽ tăng từ 100 người lên thành 1.000 người; từ 1.000 người lên 2.000 người chỉ trong 3 ngày. Vì thế, trong vòng 10 ngày đến 2 tuần tới, việc kiểm soát không để số người mắc Covid-19 vượt qua 1.000 người là rất quan trọng. Nếu cả nước giữ được số người nhiễm dưới 500 người sẽ an toàn hơn. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, thông thường khi có 2.000 người mắc thì 3 ngày sau có thể tăng lên thành 4.000 người và 5 ngày nữa có thể là 8.000 người… Lúc đó, cho dù TPHCM có nỗ lực xây dựng bệnh viện mới 1.000 chỗ cũng không đủ chỗ cho người mắc mới. Vì vậy, yêu cầu quan trọng là phải có các biện pháp quyết liệt, không để số người mắc mới tăng lên. Bài học của các nước cho thấy phải ngăn chặn sớm, dứt khoát không để số người mắc vượt quá 1.000 người.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để giữ được cả nước không quá 1.000 người mắc Covid-19 thì TPHCM phải khống chế số người mắc trên địa bàn không quá 300 người. Với nguồn lực hiện nay, TPHCM hoàn toàn đủ khả năng chăm sóc, điều trị cho 300 người mắc Covid-19. Hiện nay, TPHCM đã nâng tổng số giường bệnh đáp ứng đủ cùng lúc cho 1.200 người mắc Covid-19 nên nếu có 300 người mắc thì không phải là vấn đề. Tuy nhiên, tại TPHCM cứ một người mắc Covid-19 thì phải cách ly 280 người. Vì thế, nếu TPHCM có 300 người mắc thì phải cách ly 84.000 người. Nếu tính 10% số người có nguy cơ lây nhiễm cao từ 84.000 người thì phải cách ly tập trung cấp thành phố với 8.400 người. Lúc đó, TPHCM sẽ gặp khó khăn.
TPHCM đứng trước trách nhiệm lịch sử
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo 24 quận huyện cùng các sở ngành đang đứng trước trách nhiệm lịch sử trong vòng 10 đến 14 ngày sắp tới. “Bài toán đặt ra đối với TPHCM trong vòng 10 ngày tới là rất quan trọng và đặc biệt, để góp phần cùng cả nước kiềm chế số người mắc không quá 1.000 người, mà tốt nhất là không quá 500 người”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Về biện pháp, đồng chí dẫn chứng kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp giảm mạnh số người mắc Covid-19 mới. Cụ thể, 2 nước này quyết liệt chặn nguồn lây từ nước ngoài; tổ chức xét nghiệm cho những người có nhu cầu, phát hiện người mắc cách ly và giám sát ngay. Ngoài ra, khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh, 2 nước trên thực hiện việc đeo khẩu trang nghiêm túc và phạt tù đối với người bán khẩu trang cũ. Cùng với đó, họ đóng cửa trường học, dừng các hoạt động đông người.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang. Song, trước diễn biến phức tạp hiện nay, từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp đặc biệt hơn. Tinh thần là trong 2 tuần nữa người dân TPHCM sẽ phải cực hơn để dịch không bùng phát và không phải gặp nhiều khó khăn sau này. Một trong những yêu cầu cụ thể là phải phát hiện sớm, đầy đủ và thực hiện cách ly kịp thời những người có nguy cơ lây nhiễm. Khi phát dịch thì phải khoanh vùng dập dịch hợp lý và triệt để. Đồng chí cũng đề nghị thực hiện truyền thông hiệu quả cao để người dân hiểu rõ, chia sẻ và tránh việc ùn ùn đến “tiếp tế” cho người thực hiện cách ly như tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM vừa qua.
Cùng với đó là việc kiểm soát chặt nguồn lây từ nước ngoài, tổ chức xét nghiệm cho người dân có nhu cầu, yêu cầu đeo khẩu trang thường xuyên, đóng cửa trường học, tạm dừng các hoạt động có đông người. Đồng thời tổ chức cách ly nghiêm túc đối những người có nguy cơ lây nhiễm và tham khảo biện pháp phạt nặng (thậm chí phạt tù) những người không thực hiện theo yêu cầu cách ly. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các doanh nghiệp ở TPHCM tham gia may khẩu trang nhưng phải lưu ý đến chất lượng, đặc biệt các đơn vị bán khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp nào vi phạm, không đảm bảo chất lượng yêu cầu phải xử lý nghiêm. Cùng với đó, Ban Tôn giáo và Sở Ngoại vụ tập hợp những cách làm của các nước về tổ chức hoạt động sinh hoạt tôn giáo để thông báo đến các cơ sở tôn giáo, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời phải dự báo sớm về mức độ lây lan dịch, về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng tình hình sản xuất, kinh doanh của thế giới, đất nước và của TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ Nhật Bản có chính sách trả lương khi công nhân, người lao động phải ở nhà trông con (do trường học đóng cửa). Cách làm này giúp người dân yên tâm ở nhà. Đồng chí cho rằng cần đặt vào vị trí người lao động để xem họ sẽ sống như thế nào nếu 2 tuần, 4 tuần, thậm chí 8 tuần không có lương. Từ đó, TPHCM phải suy nghĩ, tính toán hỗ trợ người lao động mất việc làm. Cùng với đó là nghiên cứu thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thực hiện các chính sách ổn định xã hội.
Nhắc lại “thời gian vàng” từ nay đến 2 tuần tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đó có thể là giải pháp hạn chế đi lại thông qua việc tạm ngưng hoạt động xe buýt, vận động người dân hạn chế ra ngoài mua sắm... Những hoạt động dịch vụ còn mở cửa phải tuân thủ những điều kiện gì để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; lưu ý ngừng sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm ở các tòa nhà cao tầng nhằm tránh phát tán dịch bệnh. Về mức độ, cách thức cụ thể, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM khẩn trương tính toán và thông báo cho người dân thành phố thực hiện một cách quyết liệt.
Tăng cường truyền thông về dịch đến người dân Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu, các lực lượng phải chặt chẽ, quyết tâm hơn nữa không để dịch bệnh lây lan. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện chỉ đạo UBND phường xã phải thành lập Tổ công tác tổ chức đến từng nhà, các cơ sở lưu trú, rà soát kỹ, lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8-3 đến nay chưa được cách ly để tổ chức xét nghiệm tất cả, đánh giá nguy cơ để quyết định đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nơi cư trú và có sự giám sát chặt chẽ của y tế và chính quyền địa phương. Tổ chức truyền thông cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe. Các trường có ký túc xá giải tỏa tất cả học sinh, sinh viên vẫn còn lưu trú ở khu ký túc xá các trường học trong thời gian này, để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh. |