Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, ông Park Hee-tae, ngày 9-2 đã tuyên bố từ chức sau hàng loạt cáo buộc ông này dùng tiền mua chức Chủ tịch đảng Đại dân tộc (GNP) của Hàn Quốc năm 2008.
20 triệu won mua ghế
Theo các nhân viên điều tra, ông Park Hee-tae, 74 tuổi, bị nghi ngờ đưa phong bì cho các nghị sĩ của GNP, nay đã đổi tên thành đảng Saenuri, để tập trung phiếu bầu cho ông này vào ghế chủ tịch GNP. Sau đó, ông Park Hee-tae trở thành Chủ tịch GNP khóa 2008-2009, rồi Chủ tịch Quốc hội từ năm 2010.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông Park Hee-tae kéo dài 2 năm sẽ kết thúc vào tháng 5 tới. “Tôi thành thật xin lỗi toàn thể nhân dân. Tôi quyết định từ chức Chủ tịch Quốc hội bởi vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cá nhân tôi. Tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm” - ông Park Hee-tae tuyên bố.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết đây là lần đầu tiên một nhà lập pháp cấp cao tuyên bố từ chức bởi những cáo buộc từ một vụ điều tra liên quan đến scandal hối lộ. Vụ việc được phát hiện vào đầu tháng 1 vừa qua sau khi Nghị sĩ Koh Seung-duk của GNP tiết lộ một trợ lý của ông Park Hee-tae từng hối lộ nghị sĩ này 3 triệu won (2.688 USD) để mua phiếu bầu của ông cho ông Park Hee-tae. Tuy nhiên, ông Koh Seung-duk đã không nhận phong bì này.
Ông Koh Seung-duk cũng cho biết một số nghị sĩ khác và thành viên của đảng cũng nhận tiền của ông Park Hee-tae. Trong khi đó, cựu trợ lý của ông Park Hee-tae, Koh Myung-jin, thừa nhận với các công tố viên rằng đã nhận lại 3 triệu won từ ông Koh Seung-duk và đã thông báo với ông Kim Hyo-jae, người điều hành chính sách tranh cử của ông Park Hee-tae năm 2008 (giờ là trợ lý cấp cao về các vấn đề chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak).
Số tiền 3 triệu won sau đó đã được Koh Myung-jin sử dụng vào việc riêng. Theo Korea Times, ông Park Hee-tae đã chi khoảng 20 triệu won cho 5 thành viên hội đồng cấp quận để thông qua các nhân vật này hối lộ 30 nghị sĩ của GNP.
Đảng cầm quyền lung lay
Theo Korea Times, nhiều khả năng ông Park Hee-tae và ông Kim Hyo-jae, người đã phủ nhận việc đưa hối lộ, sẽ bị triệu tập trong thời gian tới. Trước đó, sau khi nắm được thông tin về vụ scandal này, các nhà điều tra Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra e-mail, tài khoản ngân hàng của các trợ lý ông Park Hee-tae, trong đó có tài khoản của một trợ lý họ Cho, người huy động quỹ cho chiến dịch của ông Park năm 2008. Các điều tra viên cho biết các tài khoản e-mail sử dụng trong chiến dịch của ông Park sẽ là các đầu mối quan trọng.
Qua các cuộc thẩm vấn, các nhân viên điều tra thu thập được khá nhiều thông tin quan trọng liên quan đến vụ án. Một thành viên hội đồng cấp quận của GNP cho hay đã thấy tận mắt ông Kim Hyo-jae đến văn phòng ông Park tại Yeouido để nhận phong bì tiền (dùng để đưa hối lộ). 2 trợ lý khác của Tổng thống Lee Myung-bak là Lee Bong-gun, người phụ trách các vấn đề quốc gia và cựu Thư ký Lee Myeong-jin cũng đã bị các công tố viên triệu tập. Đây là 2 người có vai trò rất lớn trong cuộc bầu cử năm 2008 của ông Park Hee-tae.
Giới phân tích chính trị Hàn Quốc cho rằng quyết định từ chức của ông Park Hee-tae sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 tới bởi các nghị sĩ đối lập sẽ sử dụng vụ scandal này tấn công đảng cầm quyền và chính quyền của ông Lee Myung-bak. Đảng Dân chủ thống nhất (DUP), đảng đối lập chính tại Hàn Quốc, đã kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện đối với ông Park Hee-tae và Kim Hyo-jae, đồng thời hối thúc ông Kim Hyo-jae từ chức.
Đảng GNP cầm quyền hiện giữ 166 ghế trên tổng số 299 ghế đại biểu Quốc hội cùng với chức tổng thống. Scandal hối lộ này làm lung lay đảng cầm quyền giữa lúc đảng này đang phải đấu tranh quyết liệt trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 và bầu cử tổng thống tháng 10 tới.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Dân chủ thống nhất nhận được nhiều sự ủng hộ hơn đảng cầm quyền vì sự bất mãn trong dân chúng đang gia tăng do những bất công xã hội và sự suy thoái kinh tế. Hiện GNP đang nỗ lực thay đổi hình ảnh một đảng của người giàu bằng cách tập trung vào phúc lợi cho người nghèo.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)