Đến thời điểm này, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy Hàn Quốc sẽ “mở cửa” trở lại, tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), vốn bị tạm dừng từ cuối năm 2012. Trong khi đó, Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc có thời hạn 1 năm kể từ ngày 31-12-2013, sẽ hết hiệu lực vào hôm nay (31-12-2014).
Hết hạn
Theo Trung tâm Lao động Ngoài nước (Colab - Bộ LĐTB-XH), trong năm 2014, cả nước đưa hơn 5.600 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Đây là kết quả của việc thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình EPS. Trong đó, có 3.981 lao động mới (đã có chứng chỉ qua các kỳ thi tiếng Hàn) được Hàn Quốc tiếp nhận; còn lại là lao động về nước đúng hạn và lao động mẫu mực.
Tuy nhiên, đến hôm nay, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy Hàn Quốc sẽ “mở cửa” trở lại, tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình EPS. Càng khó khăn hơn khi Bản ghi nhớ đặc biệt về Chương trình EPS - một bước ngoặt trong việc nối lại Chương trình EPS, cũng hết hiệu lực. Trở ngại lớn nhất là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao.
Những gia đình ở huyện Củ Chi (TPHCM) có con em sắp hết hạn làm hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc trao đổi về hướng vận động, khuyên bảo con em về nước đúng hạn.
Trong nỗ lực nối lại thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐTB-XH đã liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền, trao đổi với 35 tỉnh, thành (đến tận cấp huyện, xã) từ Bắc vào Nam. Đặc biệt tuyên truyền ở những địa phương có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc và nhiều người sẽ hết hạn hợp đồng lao động trong năm 2014, cần phải vận động về nước đúng hạn. Trong các buổi gặp gỡ, Bộ LĐTB-XH thẳng thắn cảnh báo về nguy cơ mất thị trường nhập khẩu lao động Hàn Quốc; nguy cơ Hàn Quốc dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn không giảm.
Ở TPHCM, trên địa bàn huyện Củ Chi, sáng 12-12, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết đã gặp gỡ thân nhân, gia đình có người đang làm việc ở Hàn Quốc sắp hết hạn hợp đồng nhằm vận động các gia đình khuyên bảo con em mình về nước đúng thời hạn. Tại Hàn Quốc, Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tổ chức trên 20 buổi gặp mặt, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc chấp hành pháp luật, về nước đúng hạn.
Theo Colab, thời gian qua, 100% lao động trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc đã thực hiện việc ký quỹ 100 triệu đồng. Thực hiện Nghị định 95/2013 của Chính phủ, bước đầu, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc đã xử phạt trên 300 người lao động bỏ trốn khi làm việc ở Hàn Quốc (mức phạt 100 triệu đồng). Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm dần từ 58% vào lúc cao điểm nhất, xuống còn 47% và gần đây là 38% rồi 32%. Song, đây vẫn là tỷ lệ cao hơn 2 lần mức trung bình của 15 nước phái cử lao động sang làm việc ở Hàn Quốc. Tỷ lệ này cũng chưa thỏa mãn kỳ vọng của phía bạn là phải giảm dần đều, có tính bền vững.
Hồi hộp chờ đợi
Bộ LĐTB-XH và Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tế. Phía Hàn Quốc sẽ căn cứ tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp để xem xét có tiếp tục ký Bản ghi nhớ Chương trình EPS hay không. Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Colab cho biết, nếu thuận lợi, có khả năng trong tháng 1-2015, Bản ghi nhớ đặc biệt về Chương trình EPS năm 2015 (có thời hạn 1 năm) sẽ được ký tiếp. Trong trường hợp bản ghi nhớ được ký tiếp, đối tượng được sang làm việc tại Hàn Quốc cũng rất chọn lọc, chỉ ưu tiên một số lao động mới, mẫu mực, trung thành, về nước đúng hạn.
Với người lao động, ông Long cho biết, ngay khi về nước, mỗi người được nhận 5.000 USD - khoản tiền bảo hiểm hồi hương và bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (4 năm 10 tháng) về nước. Sau khi làm hồ sơ và gửi sang Hàn Quốc, tiền bảo hiểm sẽ được chuyển vào tài khoản người lao động ở Việt Nam. Đây là một trong những chính sách nhằm hạn chế lao động bỏ trốn và từ tháng 8-2014 tới nay, hơn 700 người đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhận tiền bảo hiểm.
MẠNH HÒA