
(SGGPO).- Hãng tin AP sáng nay, 19-8, cho biết, Hàn Quốc thông báo sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo, chỉ 4 tháng sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, dự kiến ban đầu vào lúc 17 giờ địa phương (15 giờ Hà Nội). Thông tin mới nhất cho biết, Hàn Quốc lại quyết định hoãn phóng tên lửa đẩy đầu tiên của nước này, do lỗi kỹ thuật trong hệ thống tự động của tên lửa.

Tên lửa được phóng tại trung tâm vũ trụ Naro, cách Seoul 465 km về phía nam. Ảnh: AP
Các quan chức Seoul khẳng định, quả tên lửa tên được chế tạo nhờ hợp tác với Nga này sẽ mang theo vệ tinh quan sát và vì mục đích hòa bình.
Kể từ năm 1992, nước này đã đưa 11 vệ tinh vào quỹ đạo nhưng đều do nước ngoài sản xuất và phóng ở nước ngoài. Nếu thành công, sự kiện này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc phóng tên lửa từ lãnh thổ của họ.
Hàn Quốc dự định phóng tên lửa này vào ngày 30-7 vừa qua, nhưng vì sự cố kỹ thuật nên đã hoãn lại 2 lần.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho biết: "Chương trình của Hàn Quốc rất minh bạch và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế mà họ đã ký".
Bình Nhưỡng tuyên bố họ sẽ theo dõi chặt chẽ phản ứng của thế giới trước vụ phóng vệ tinh này.
* Thông tin mới cập nhật chiều nay, 19-8, cho biết, Hàn Quốc lại quyết định hoãn phóng tên lửa đẩy đầu tiên của nước này, do lỗi kỹ thuật trong hệ thống tự động của tên lửa.
Quyết định trên được đưa ra ngay trước thời điểm dự kiến phóng ban đầu khoảng 8 phút, sau khi nhiên liệu đã được bơm vào và bệ phóng đã được lắp ráp. Theo kế hoạch, Hàn Quốc dự định phóng tên lửa đẩy KSLV-1 đưa một vệ tinh quan sát đại dương và khí quyển lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất từ Trung tâm vũ trụ Na-rô (Naro), cách thủ đô Xơ-un (Seoul) khoảng 475km về phía Nam.
Tên lửa KSLV-1 nặng 140 tấn, cao 33m, đường kính 2,9m, với chi phí chế tạo hơn 400 triệu USD, là công trình hợp tác quy mô giữa Hàn Quốc và Nga trong chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc. Tên lửa gồm 2 tầng, trong đó tầng một sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng do Nga sản xuất, tầng hai sử dụng động cơ nhiên liệu rắn do Hàn Quốc chế tạo. Theo các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu vũ trụ Hàn Quốc (KARI), dự án hợp tác với Nga trong sản xuất KSLV-1 là bước đệm để Hàn Quốc thực hiện mục tiêu tự chế tạo tên lửa đẩy hoàn toàn bằng công nghệ của nước này vào năm 2018.
N.B (Theo AP)