Hàn Quốc - xu hướng mua sắm thanh toán tự động

Là khách quen thường xuyên của các địa điểm tự phục vụ ở Hàn Quốc, anh Choi Seung-hoon, 32 tuổi, gần đây còn có thêm trải nghiệm thú vị, đó là mua suất ăn tối mang về tại một cửa hàng hoàn toàn không có nhân viên.

Khách hàng chọn đồ cho thú cưng tại một cửa hàng tại Seoul
Khách hàng chọn đồ cho thú cưng tại một cửa hàng tại Seoul

Trong cửa hàng không người phục vụ gần ga Sangwangsimni ở trung tâm thủ đô Seoul có tủ kính lạnh bày các loại cá được bọc trong túi hút chân không. Choi Seung-hoon chọn một suất sashimi cá đuôi vàng nặng 150g, có giá 15.000 won (11,23 USD). “Tôi thường ăn một mình nên tôi nghĩ đây là một điều tốt, vì tôi có thể mua sashimi mà không cần đến chợ hải sản hay nhà hàng bán cá sống”, anh chia sẻ. Với phương thức thanh toán này, khách hàng khi mua sắm tại đây dễ dàng quan sát, chọn lựa sản phẩm mình cần và không phải xếp hàng dài tại quầy thu ngân để chờ đến lượt thanh toán. Bên trong các cửa hàng dạng này được trang bị rất nhiều máy bán hàng tự động với các loại sản phẩm đa dạng từ thực phẩm nấu chín, thực phẩm tươi sống, quần áo cho đến khu vực bán các mặt hàng phục vụ thú cưng. Việc thanh toán diễn ra hoàn toàn không cần đến tiền mặt.

Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên màn hình cảm ứng rồi quét mã QR từ ứng dụng. Tuy chưa có dữ liệu toàn diện về số lượng cửa hàng bán lẻ không có nhân viên trên toàn quốc, nhưng một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc từ năm 2022-2023 cho thấy, có ít nhất 6.300 cơ sở. Kang Dong-yoon, 34 tuổi, chủ cửa hàng sashimi ở ga Sangwangsimni, hiện đang điều hành 3 cửa hàng dưới thương hiệu Sea Fridge. Để có được thành công như vậy, Kang Dong-yoon mua cá 3 lần một tuần tại chợ cá Noryangjin - chợ hải sản lớn nhất ở Seoul.

Anh quay phim toàn bộ quá trình chọn mua cá và chia sẻ trên Instagram của cửa hàng. Đã từng có 10 năm kinh nghiệm điều hành một doanh nghiệp nhượng quyền, anh Kang hiện có kế hoạch tự mình mở thêm một cửa hàng không có nhân viên khác chuyên bán thịt. Lee So-in, chủ một cửa hàng quần áo, cho biết lợi ích chính của việc bán lẻ tự phục vụ là người bán có thể linh hoạt trong quản lý thời gian. Đầu năm 2023, cô mở một cửa hàng truyền thống ở TP Gimpo, tỉnh Kyunggi và kiêm luôn vai trò nhân viên bán hàng. Đến hè, nơi đó trở thành một cửa hàng không có nhân viên vì Lee bận rộn chăm sóc con cái. Hiện tại, cô chỉ làm việc tại cửa hàng mỗi tuần một lần để bổ sung quần áo và phụ kiện.

Theo một cuộc khảo sát 1.000 người của Công ty Nghiên cứu Embrain, 71,9% số người được hỏi cho biết đã ghé các cửa hàng không có nhân viên. Trong số đó, khoảng 80% sẵn sàng quay lại cửa hàng như vậy lần nữa. Lý do chính cho phản ứng tích cực này là vì không có nhu cầu tương tác với nhân viên phục vụ.

Giống như những khách hàng chọn mua sắm tại các cửa hàng thanh toán tự động, Go Ye-eu sống tại Seoul đồng tình với kết quả của cuộc khảo sát. Cô đánh giá cao việc không cần phải đoán tâm trạng và suy nghĩ của nhân viên bán hàng, đặc biệt khi mua hàng nhỏ lẻ, như một gói kẹo cao su, có giá dưới 1 USD bằng thẻ tín dụng hoặc khi ra khỏi cửa hàng mà không mua bất cứ thứ gì. Bên cạnh đó, Go Ye-eun cho rằng sản phẩm tại các cửa hàng không có nhân viên có giá thành rẻ và đa dạng hơn.

Tin cùng chuyên mục