Dù xuất hiện ở khắp nơi nhưng việc đo đạc chính xác lượng rác thải nhựa trên đại dương lại rất khó thực hiện. Để khắc phục hạn chế này, các nhà khoa học đã phân tích nhựa thu thập được từ các mẫu vật lấy ở 12 địa điểm trên dải bề mặt kéo dài 10.000km của Đại Tây Dương. Sau đó, nhóm đánh giá mật độ của 3 loại rác thải nhựa đại dương phổ biến nhất gồm polyethylene, polypropylene và polystyrene, ở độ sâu 10 - 100m bên dưới bề mặt đại dương. Dựa trên các mô hình máy tính về xu hướng hình thành rác thải nhựa trên đại dương từ năm 1950, các nhà nghiên cứu ước tính Đại Tây Dương hiện nay chứa 17 - 47 triệu tấn rác thải nhựa.
Như vậy, con số 47 triệu tấn cao hơn tổng cộng lượng rác thải nhựa ước tính đổ ra Đại Tây Dương kể từ giữa thế kỷ trước tới nay. Ngoài ra, trong vùng nước 200m tính từ bề mặt của Đại Tây Dương, nơi sinh sống của phần lớn các sinh vật biển, có tối đa 20 triệu tấn vi nhựa.
Nghiên cứu này một lần nữa đòi hỏi thế giới cần phải nhanh chóng đánh giá chính xác hơn về lượng rác thải nhựa trên đại dương. Ước tính hiện nay là khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra Đại Tây Dương mỗi năm, gây ra những tác hại chưa lường hết với chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho hàng trăm triệu người trên thế giới.