Hàng hiệu giá bèo
Mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử đang là kênh mua sắm lớn, thuận tiện với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có ít thời gian rảnh. Với nguồn hàng hóa đa dạng, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên mạng là có người giao sản phẩm đến tận nhà, không cần phải tốn công sức ra ngoài lựa chọn.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều và được rao bán công khai. Các chợ thương mại điện tử lớn tràn ngập sản phẩm như vậy, được quảng cáo là hàng chính hãng, nhưng bán với giá rẻ không thể tưởng tượng.
Tại nhiều chợ online, giày nam nữ được giới thiệu chính hãng adidas nhưng giá chỉ từ 139.000 đồng đến 400.000 đồng/đôi, thậm chí còn rẻ hơn, trong khi giá chính hãng phải cả triệu đồng. Các loại mỹ phẩm, đồ điện tử cũng được bán giá rất rẻ từ 10.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng. Ví dụ như đồng hồ nhái kiểu dáng Smart watch của hãng Apple có giá chưa tới 30.000 đồng/chiếc.
Thực tế, để trở thành chủ một shop bán hàng tại các chợ online này rất dễ dàng, chỉ cần đăng ký email và một vài bước đơn giản theo mẫu có sẵn. Đây là lỗ hổng để các gian thương có thể trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cứ mặc sức tô vẽ cho sản phẩm, gắn mác hàng chính hãng nhằm thu hút khách hàng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như là những cửa hàng kinh doanh uy tín khác.
Liên tục mua phải hàng nhái
Theo quy định tại Thông tư 47/2014 của Bộ Công thương, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh. Thế nhưng, nạn hàng giả, hàng nhái được bán công khai trên các chợ online đang xảy ra rất phổ biến.
Mua sắm online đem đến cho người tiêu dùng nhiều tiện lợi, nhưng khi hoạt động này chưa đi vào nề nếp, rủi ro mua phải hàng giả, hàng nhái là rất cao. Việc tố giác gặp nhiều khó khăn bởi mua hàng online chỉ thông qua giao dịch trên mạng, không có hóa đơn chứng từ, không có địa chỉ người bán. Những hàng hóa có giá trị thấp thì người tiêu dùng còn e ngại tố giác vì vướng mắc thủ tục giấy tờ rất mất thời gian.
Chị Phạm Mây (ngụ quận Tân Bình) bức xúc: “Tôi mua hàng online các dụng cụ nhà bếp, sạc điện thoại, nước hoa và quần áo, nhiều lần mua sản phẩm kém chất lượng. Có thứ dùng chỉ được vài ngày đã hỏng, gọi điện nhờ đổi sản phẩm khác, hoặc xin bảo hành thì các chủ shop cũng hứa hẹn nhiều lần rồi bặt tin”.
Chị Nguyễn Như Thảo (ngụ quận 10) cũng phàn nàn: “Tôi đặt mua trên mạng một lọ nước hoa của hãng Blue, về nhà mở ra thì sản phẩm không được như lời giới thiệu. Gọi điện lên cửa hàng đề nghị đổi sản phẩm mới, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn, sau đó còn bị chặn luôn số điện thoại, không liên lạc được nữa. Tôi rất bức xúc nhưng cũng đành chịu, chỉ biết rút kinh nghiệm lần sau chịu khó ra cửa hàng có uy tín mua cho đảm bảo”.
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp mạnh tay xử lý các trường hợp kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi mua hàng online, người tiêu nên chọn những cửa hàng lớn, có uy tín, kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán và cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch trên mạng.