
Hầu hết các hãng hàng không của Việt Nam, từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tới những đơn vị “sinh sau, đẻ muộn” như Hãng hàng không Jetstar Pacific, Vietjet Air… đều đã có những đầu tư mạnh mẽ chuẩn bị cho lộ trình hội nhập “Bầu trời mở Asean”.
Mạnh dạn “đi tắt đón đầu”
Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không mạnh dạn “đi tắt đón đầu”, đầu tư lớn nhất cho việc đổi mới phương tiện vận tải nhằm tham gia “Bầu trời mở Asean”. Sự kiện Vietnam Airlines sẽ đưa vào khai thác hai dòng máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay - Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB - ngay trong năm 2015 đang là thông tin gây chú ý nhất trong ngành vận chuyển hàng không thế giới. Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng hai dòng máy bay hiện đại nhất này. Đưa Boeing 787-9 vào khai thác trên các đường bay từ Việt Nam tới London (Anh), Vietnam Airlines cũng trở thành hãng hàng không đầu tiên trong khu vực khai thác dòng máy bay mới nhất của Boeing trên đường bay thẳng từ Đông Nam Á đến châu Âu. Với Airbus A350 XWB, Vietnam Airlines là hãng hàng không thứ hai trên thế giới sử dụng loại máy bay này. Đội bay Vietnam Airlines sẽ có 14 chiếc A350 XWB, gồm 10 chiếc đặt mua từ Airbus và 4 chiếc thuê ngoài.

Đội bay Vietnam Airlines. Ảnh: CAO THĂNG
Hãng Hàng không Jetstar Pacific cũng nỗ lực chuẩn bị cho “Bầu trời mở Asean”. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, đơn vị đã chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn bằng dòng máy bay A320/A321 hiện đại đồng thời với việc trẻ hóa đội bay, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Jetstar Pacific còn phối hợp chặt chẽ với các cổ đông nhiều kinh nghiệm như Vietnam Airlines, Tập đoàn Qantas Airways (Úc) liên tục mở thêm các đường bay quốc tế và khu vực. Hiện Jetstar Pacific đã triển khai 25 đường bay nội địa và quốc tế. Hãng hàng không giá rẻ VietJet cũng không thua kém khi đã đầu tư thêm nhiều máy bay mới cũng như liên tục mở thêm nhiều đường bay mới trong và ngoài nước.
Chỉ ngành hàng không,… không đủ
“Bầu trời mở Asean” là hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không trong khối Asean. Theo đó, các hãng hàng không của mỗi nước được khai thác không hạn chế thương quyền giữa các thành phố có sân bay quốc tế của mỗi nước. Đối với các hãng hàng không Việt Nam, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội, đó là có điều kiện mở rộng thị trường. Thách thức: trong 10 nước Asean, có rất nhiều hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sao như của Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan… Trong khi đó, các hãng hàng không của Việt Nam mới đạt tiêu chuẩn 3 sao. Việc đầu tư mạnh mẽ các máy bay mới, hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chung của ngành hàng không Việt Nam, những nỗ lực trên vẫn chưa đủ.
Trong hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, nhiều hãng hàng không cho hay, mật độ bay tăng nhanh, năng lực điều hành quản lý an toàn bay cũng tăng nhưng hạ tầng không đáp ứng được, đã dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm, hủy chuyến. Cách đây hơn 10 năm, thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động các sân bay của Chính phủ, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã tiến hành cải tạo và đầu tư mới thêm nhiều sân bay. Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở nhiều sân bay, đặc biệt hai sân bay chính của đất nước, Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn nhiều tồn tại. Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 liên tục xảy ra ách tắc trên tuyến đường đi vào nhà ga. Có những trận mưa lớn khiến sân bay ngập lụt không có lối vào. Về nguyên tắc, tham gia “Bầu trời mở Asean”, các sân bay Việt Nam chỉ có lợi vì có thêm hãng hàng không mở đường bay tới. Thế nhưng, sẽ là “lợi bất cập hại” khi hạ tầng hàng không chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi lúc ấy các hãng hàng không sẽ ngại bay tới nơi hạ tầng chưa đáp ứng được và do vậy, không những các hãng hàng không thất thu mà các sân bay cũng mất khách.
Một vấn đề khác khi hội nhập là giá vé. Giá vé máy bay sẽ là cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các hãng hàng không trong nước với các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực. Ông Lê Hồng Hà còn lo lắng một câu chuyện khác, đó là các hãng hàng không giá rẻ có thể gặp khó khi xin giờ hạ cất cánh ở các sân bay quốc tế, khi mật độ khai thác của các hãng hàng không tăng lên. Theo ông Lê Hồng Hà, các hãng hàng không rất cần được Nhà nước hỗ trợ trong quá trình làm các thủ tục pháp lý khi xin phép khai thác các đường bay mới đến những thành phố của các nước Asean. Nhà nước cũng cần đàm phán với các nước thành viên Asean để đồng bộ hóa và minh bạch hóa quy trình, thủ tục xin phép bay giữa các nước, tránh trường hợp mỗi nước có yêu cầu khác nhau về hồ sơ xin phép. Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam cũng rất cần được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực về vốn, đào tạo nguồn nhân lực để có điều kiện tốt hơn nữa trong việc cạnh tranh với các hãng hàng không khác trong khu vực khi bầu trời Asean rộng mở.
|
NGUYỄN KHOA