Hàng loạt thủy điện miền Nam đang “đua” về mực nước chết

Hầu hết thủy điện khu vực phía Nam đang về sát mực nước chết, nhiều tổ máy vận hành “cầm hơi”, sản lượng giảm 50% so với cùng kỳ. Nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện một số nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên phải ngừng hẳn do lòng hồ khô nước. Viễn cảnh thiếu điện đang ở mức báo động đỏ.
Hàng loạt thủy điện miền Nam đang “đua” về mực nước chết

Hầu hết thủy điện khu vực phía Nam đang về sát mực nước chết, nhiều tổ máy vận hành “cầm hơi”, sản lượng giảm 50% so với cùng kỳ. Nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện một số nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên phải ngừng hẳn do lòng hồ khô nước. Viễn cảnh thiếu điện đang ở mức báo động đỏ.

  • Xấp xỉ mực nước chết

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi Lê Văn Quang cho biết, tính đến 24 giờ ngày 15-3 mực nước tại hồ thủy điện Hàm Thuận ở ngưỡng 585,29m, trong khi mực nước chết là 575m. Đáng lưu ý, lưu lượng nước về hồ giảm mạnh, chỉ đạt bình quân 6m³/s, thấp gấp 20 lần so với trung bình hàng năm để chạy máy là 134m³/s.

Thông tin từ EVN cho hay, trước tình hình thiếu điện căng thẳng hiện nay, dự kiến năm 2011 đơn vị sẽ mua 4,671 tỷ kWh của Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây phía đối tác Trung Quốc đang đòi tăng giá điện lên cao, vượt mức giá bán điện bình quân năm 2011 mà Chính phủ vừa phê duyệt, có thể lên tới 6–7 cent/kWh (giá năm 2010 5,1 cent/kWh). Theo đề nghị của Trung Quốc, mức giá điện mới bán cho Việt Nam phải được áp dụng từ 1-1 và khi thống nhất được giá, phía Việt Nam phải trả bù phần chênh lệch giá mới so với giá hiện nay. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay, EVN đã mua của Trung Quốc 956 triệu kWh, tăng 28,89% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận thiết kế công suất 300 MW và Nhà máy thủy điện Đa Mi 175 MW (bậc thang ở hạ nguồn). Cả hai nhà máy này vận hành bình quân đạt sản lượng 1,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, do năm 2010 khô hạn kéo dài việc tích nước khó khăn nên làm giảm sản lượng khoảng 300 triệu kWh, cộng với mùa khô năm nay dự báo sụt giảm trên 400 kWh nữa. Do thiếu nước nghiêm trọng nên hiện tại các tổ máy chủ yếu vận hành cầm chừng để phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, mỗi ngày chỉ đạt 2 triệu kWh. Theo ông Lê Văn Quang, đến tháng 5 thủy điện Hàm Thuận sẽ về mực nước chết, đồng nghĩa với việc nhà máy ngừng hoạt động.

Tương tự, Nhà máy thủy điện Trị An với 4 tổ máy gồm 400MW, nhưng hiện đang cách mực nước chết 4m, lưu lượng nước về hồ đạt 50-60m³/s, do đó, sản lượng điện bình quân chỉ đạt 1 triệu kWh/ngày, giảm trên 60% so với cùng kỳ.

Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhãn, nguyên nhân dẫn đến sản lượng điện sụt giảm khá mạnh là do lưu lượng nước hữu ích về hồ năm nay quá thấp, chỉ đạt 700 triệu m³/ 2,5 tỷ m³ so với các năm. “Nếu vận hành theo tiến độ hiện nay, không điều chỉnh thì đến tháng 5 thủy điện Trị An chạm mực nước chết và đến khi đó phải ngừng máy”, ông Nhẫn cảnh báo.

Bi đát hơn, vừa đưa vào vận hành từ ngày 5-1, nhưng đến nay Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 với công suất 80MW, chỉ vận hàng được 31 triệu kWh, bình quân mỗi ngày chỉ đạt vài trăm kWh. Phó trưởng Ban quản lý dự án điện 6 Phạm Văn Cúc cho biết, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đồng Nai 3 hiện nay chưa đến 10m³/s, trong khi mực nước bình quân là 18m³/s. Đáng lo ngại nhất là thủy điện Đồng Nai 3, đang cách mực nước chết chưa tới 1m. Nếu vận hành hết công suất nhà máy, chỉ trong một đến hai ngày là khô nước.

Tổng Công ty Điện lực TPHCM thi công bảo trì sửa chữa lưới điện hợp lý để tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng Công ty Điện lực TPHCM thi công bảo trì sửa chữa lưới điện hợp lý để tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

  • Phát điện cầm chừng để dành nước

Thủy điện Yaly với 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên gồm: Yaly, Pleikrong và Sê San 3, tổng công suất 1.080MW, sản lượng điện bình quân đạt 5,3 tỷ kWh, nhưng năm nay cũng “thất thu” thê thảm.

Theo dự báo của Công ty Thủy điện Yaly, mùa khô năm nay đơn vị sản xuất được khoảng 1 tỷ kWh. Đây là con số khá thấp so với 6 tháng mùa khô những năm trước công ty luôn đạt sản lượng ở mức 1,7-1,8 tỷ kWh/năm. Nguyên nhân do lưu lượng nước về hồ hiện nay chỉ bằng khoảng 2/3 so với trung bình lưu lượng nước hàng năm. Cụ thể, tính đến ngày 15-3, lượng nước trên thủy điện Sê San 3 chỉ cao hơn 1,3m so với mực nước chết; hồ thủy điện Yaly đang ở mức 498,9m/515m, thấp hơn mực nước dân bình thường 17m.

Trong khi đó, thông tin từ Công ty Điện lực Gia Lai cho hay, đến thời điểm hiện nay đã có 7/19 nhà máy thủy điện trên địa bàn phải ngừng hoạt động do hết nước, trong đó gồm các thủy điện: Ia Drăng 2, Ia Hlốp, IA Krel, Ia Kha, Ia Muer 3, Đắk Lốp, Ia Rưng. Điều may mắn, công suất của 7 nhà máy thủy điện này không lớn nên chưa ảnh hưởng nhiều đến việc cấp phát điện cho người dân. Tuy nhiên, một cán bộ điện lực Gia Lai đưa ra cảnh báo, diễn biến mùa khô khu vực Tây Nguyên ngày càng khốc liệt, do đó nguy cơ thiếu điện đang gia tăng từng ngày.

Trước tình hình trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) và các đơn vị thành viên theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để điều hành hợp lý, vừa giữ hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, vừa cải thiện tình hình cung ứng điện, đồng thời huy động tối đa các nguồn nhiệt điện. Tuy nhiên, do tỷ trọng thủy điện trong hệ thống chiếm tới gần 40% nên hậu quả thiếu điện do hạn hán rất nặng nề. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục