Hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mua SGK rồi… bán giấy vụn

Phiên họp UBTVQH sáng 12-9 về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục đã rất nóng xung quanh nhiều vấn đề, trong đó có xuất bản và sử dụng SGK. “Năm nay, 100 triệu bản SGK được in ra và sang năm không sử dụng được, hầu như chỉ có thể bán giấy vụn. Phụ huynh mỗi năm mất hàng ngàn tỷ đồng để mua SGK chỉ để học sinh làm bài tập luôn vào đấy. Vấn đề này đã được đề xuất rất nhiều lần, mà vẫn không thấy chuyển động”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp

Đã tính toán nguồn lực

Trước khi bước vào phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã giải trình thêm về 2 chính sách mới.

Việc miễn học phí cho trẻ mần non 5 tuổi; miễn học phí THCS, hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập, ông Nhạ khẳng định, cơ quan soạn thảo luật đã tính đến tính khả thi về mặt tài chính. Số tiền dùng cho việc này nằm trong 20% ngân sách dành cho giáo dục.

Tương tự, về lộ trình và tính khả thi của việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, việc này cũng đã được tính toán cụ thể, dự kiến, cần thực hiện trong 6 năm, mỗi năm chi phí hết hơn 120 tỷ đồng, số tiền này ngân sách có thể cân đối được. Khi thực hiện chính sách nâng chuẩn như vậy, các trường trung cấp sư phạm sẽ không còn nữa mà được sáp nhập vào các trường cao đẳng hoặc các trung tâm bồi dưỡng giáo viên.

Tái khẳng định giải trình của Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm, cần đẩy mạnh tính tự chủ của các trường, huy động nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục.

“Theo xu thế thế giới nói chung, phổ cập giáo dục bắt buộc thực hiện ở mức nào thì nhà nước miễn học phí ở mức đó nhưng thực tế tại Việt Nam đã phổ cập THCS và đang tiến tới phổ cập THPT nhưng nhà nước mới miễn học phí ở cấp tiểu học. Trên cơ sở tính toán nguồn lực, Chính phủ đề xuất thực hiện theo lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách”, ông Vũ Đức Đam phát biểu.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Năm ngoái thì có câu chuyện của ông GS Bùi Hiền, nhưng Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Sách Công nghệ giáo dục chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt chứ không phải cải cách ngôn ngữ và đã làm nhiều năm nay. Theo Phó Thủ tướng, không thể không tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, mà đổi mới thì phải có thực nghiệm, thí nghiệm.

Bất hợp lý và lãng phí rất lớn trong xuất bản, sử dụng SGK

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cả 3 Phó Chủ tịch Quốc hội dự họp đều bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này.

Bên cạnh việc đề nghị chỉ miễn học phí bậc THCS cho khu vực vùng sâu vùng xa, nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đang có sự bất hợp lý và lãng phí rất lớn trong việc xuất bản, sử dụng SGK.

“Điều 39 của dự thảo quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng trong giảng dạy, học tập. Phải hiểu thế nào? Việc này có ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc hay không? Nếu các trường và địa phương chọn các bộ sách khác nhau thì học sinh chuyển trường phải mua sách mới?”, ông Phùng Quốc Hiển chất vấn.

Ông cũng cho rằng việc SGK chỉ được sử dụng một lần là rất lãng phí.

Bày tỏ trăn trở về hàng loạt vấn đề, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết bà cũng có con đang học phổ thông và từng nhận được rất nhiều ý kiến cử tri bức xúc với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK; đặc biệt là việc SGK sử dụng một lần.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, bà đã nghiên cứu và được biết, tổng doanh thu của NXB Giáo dục lên đến hàng ngàn tỷ đồng, tăng đều đặn qua các năm và năm 2017 chiếm tới 50,4% doanh thu của toàn ngành xuất bản.
Hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mua SGK rồi… bán giấy vụn ảnh 1 Trong những ngày chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, phụ huynh TPHCM khá vất vả khi tìm mua SGK cho con em. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mua SGK rồi… bán giấy vụn ảnh 2 Học sinh dân tộc K’Ho dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
“Năm nay, 100 triệu bản SGK được in ra và sang năm không sử dụng được, hầu như chỉ có thể bán giấy vụn. Phụ huynh mỗi năm mất hàng ngàn tỷ đồng để mua SGK chỉ để học sinh làm bài tập luôn vào đấy. Vấn đề này đã được đề xuất rất nhiều lần, mà vẫn không thấy chuyển động”, bà Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng không nên để các trường tự chọn SGK. Ông nói thêm: “Chương trình giáo dục phải nghiên cứu tiếp tục giảm tải ngay. Những gì hàn lâm quá thì đưa ra khỏi chương trình để tăng thời gian cho các em, các cháu có thêm kiến thức từ đời sống thực tế. Đọc bài Dế mèn phiêu lưu ký, mà có em chẳng biết dế mèn là con gì cả”.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Đổi mới phải thống nhất, đồng bộ, không nên mỗi nơi một kiểu, làm khổ học sinh. SGK phải có tính phổ quát, nên có chú thích để vùng miền nào cũng hiểu được”.

Bà nhận xét việc khai giảng hiện nay là “rất hình thức”, phần nào mất đi ý nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần dành thêm thời gian thích đáng để hoàn thiện việc sửa đổi một đạo luật có phạm vi tác động sâu rộng như Luật Giáo dục. “Chúng ta nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, vậy thế giới ngày mai như thế nào thì phải thận trọng bàn luận”.

Trước khi quyết định thí điểm giáo dục, phải trình UBTVQH

Trình bày Báo cáo về vấn đề này tại phiên họp thứ 27 của UBTVQH sáng nay, 12-9, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTTNNĐ) Phan Thanh Bình nhấn mạnh tinh thần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…

Thường trực Ủy ban VHGDTTNNĐ đề nghị, bên cạnh việc quy định “Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học” như luật hiện hành, cần bổ sung quy định “Chính phủ trình UBTVQH trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân”, trong đó làm rõ các nội dung về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian… thực hiện thí điểm.

Tin cùng chuyên mục