Theo ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh thời trang, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM, thời điểm này rất nhiều thương hiệu, nhà bán hàng đang mạnh tay giảm giá đến 50% để thu hút người tiêu dùng. Như chia sẻ của một chủ shop thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), cuối năm là dịp người tiêu dùng mua sắm nhiều nhất trong năm để chuẩn bị cho nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, đây là thời điểm nhiều cửa hàng xả hết hàng tồn đọng. Thông thường, các chiến dịch kích cầu bắt đầu chạy từ tháng 12 đến cận Tết Nguyên đán. Việc đưa ra những chương trình khuyến mại ngoài việc để thu hút khách hàng còn là sự cạnh tranh giữa các cửa hàng. Không chỉ vậy, theo giới kinh doanh thời trang, vào thời điểm cuối năm do phải nhập thêm mẫu mới để thu hút khách nên người bán buộc phải nghĩ ra các chiêu quảng cáo độc, lạ, bao gồm cả việc giảm giá cho những sản phẩm đã qua “mùa mốt”.
Thực tế cho thấy, ở thời điểm này khắp các tuyến đường kinh doanh hàng thời trang như Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, quận Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 1), hay các trung tâm thương mại như Takashimaya, Vincom Center… sẽ không khó để bắt gặp những biển hiệu xả kho, mua 1 tặng 1, sale off (giảm giá) toàn bộ cửa hàng, sale off 50% - 70%. Về thương hiệu, trong nước có thể kể tới các nhãn hàng như Canifa, Ivy moda, The Blues - Blue Exchange…; hàng ngoại nhập gồm Zara, H&M, Old Navy… đều có những chương trình khuyến mãi, giảm giá riêng của mình và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Chị Ngô Vân Anh, một nhân viên văn phòng ngụ quận 5, cho biết chị thường chờ tới dịp cuối năm để đi “săn” hàng hiệu giảm giá, bởi mức giảm lên tới 50% - 70%. Nhờ việc giảm giá mạnh của các cửa hàng thời trang mà chị đã mua được kha khá sản phẩm với mức tiết kiệm không nhỏ so với thời điểm chưa giảm giá. Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, năm nay các cửa hàng thời trang đều có chương trình giảm giá trong thời gian khá dài. Nhưng các mặt hàng được giảm giá sâu, phù hợp với túi tiền thì lại lỗi mốt, không có đủ size hoặc giá không giảm như kỳ vọng, bởi nhiều shop tăng giá lên rồi mới giảm. Lê Lan, một nhân viên marketing ngụ tại quận Thủ Đức, nói rằng thời điểm này đúng là nhiều cửa hàng giảm giá mạnh tay, nhưng nếu cứ thấy giảm mà mua thì sẽ khó có được sản phẩm ưng ý. Bởi lẽ các sản phẩm giảm giá thường là hàng thanh lý, chỉ có một số cửa hàng giảm giá đối với cả hàng mới về, hàng đẹp và chất lượng, nhưng phải mua 2 sản phẩm mới được giảm 20% và mua 3 sản phẩm sẽ được giảm 30% trên tổng hóa đơn.
Trên thực tế, thiết kế thời trang là lĩnh vực thay đổi theo thời điểm và từng mùa, nên chỉ cần qua vài tháng thì nhiều mặt hàng nếu không bán được sẽ trở thành hàng lỗi mốt, buộc người bán phải giá giảm mạnh. Đó là lý do mà nhiều cửa hàng tung chiêu khuyến mại mỗi dịp cuối năm. Hơn nữa, với các hàng tồn kho, người kinh doanh buộc phải tìm cách tiêu thụ hết để có thể lấy lại vốn, nhập các mẫu mới. Đặc biệt, với những sản phẩm giảm giá trên các trang thương mại điện tử (Lazada, Sendo, Facebook…), mặc dù có thể giảm tới 70% nhưng lại rất rủi ro khi mua sắm do người mua không được kiểm tra hàng trước. Chính vì thế, nhiều khuyến cáo cho rằng, để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo của các cửa hàng, người mua không nên quá chú tâm vào con số giảm giá bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, có những sản phẩm vừa được cập nhật xong chỉ trong thời gian ngắn đã “cháy” hàng. Vậy nên, lựa chọn thời điểm mua hàng cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, vào mỗi đợt giảm giá, vẫn có không ít sản phẩm bị nâng giá lên cao gấp vài lần rồi giảm giá ảo để “bẫy” khách hàng.