Nâng tầm giá trị hàng Việt
Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết với nỗ lực quảng bá hàng Việt, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã cùng các sở ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú như tổ chức các hội chợ, phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn, kết hợp với hoạt động tuyên truyền về hàng hóa Việt Nam. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về cuộc vận động cũng như nhận thức về chất lượng, giá cả, tính cạnh tranh của hàng Việt Nam; tạo cho người dân hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng và các hoạt động khác. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp đánh giá được thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn; qua đó, có những chính sách tiếp cận, xây dựng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.
Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông; vận động doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng tầm giá trị hàng Việt; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các kênh phân phối, triển khai chương trình khuyến mãi sản phẩm mang thương hiệu Việt. Sở Công thương TP Cần Thơ cũng phối hợp với các quận, huyện thực hiện thí điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, giúp doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu.
Tương tự, tại tỉnh An Giang, từ đầu năm tới nay, Sở Công thương tỉnh này cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức phiên chợ hàng Việt tại huyện Phú Tân; 9 chuyến bán hàng lưu động (do doanh nghiệp tổ chức) trên địa bàn các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu. Đặc biệt, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do siêu thị Tứ Sơn triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn…
Là đơn vị duy nhất của tỉnh An Giang đầu tư siêu thị lưu động cùng những chuyến hàng, nhiều năm qua, siêu thị Tứ Sơn (TP Châu Đốc) đã mang sản phẩm hàng Việt đến khắp các vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận được hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý. Năm 2018, siêu thị Tứ Sơn tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng hành cùng tỉnh đưa hàng Việt về nông thôn với nhiều nội dung đổi mới, phong phú, hấp dẫn.
Tất cả các mặt hàng ở siêu thị đều được tuyển chọn, chính gốc hàng Việt mới cho có mặt ở các phiên chợ, chuyến hàng về nông thôn. Với hơn 9.000 sản phẩm lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng... đảm bảo 100% hàng Việt. Mỗi chuyến hàng, Tứ Sơn chọn 150 nhà cung cấp, sản xuất trong nước luân phiên nhau mang hàng hóa về các phiên chợ. Và sản phẩm, hàng hóa thay đổi theo dòng sự kiện nên lượng hàng lúc nào cũng phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nông thôn. Bình quân doanh thu mỗi chuyến hàng hơn 100 triệu đồng, mỗi phiên chợ từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của siêu thị Tứ Sơn, các doanh nghiệp đồng hành với siêu thị rất cao, số lượng đăng ký tham gia mỗi năm đều tăng. Hiện nay đã lên con số trên 300 đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ tối đa siêu thị Tứ Sơn đưa hàng Việt về nông thôn ở tỉnh An Giang. Điều này cho thấy, sự quan tâm của doanh nghiệp cho hoạt động này rất cao.
Tiếp sức hàng Việt
Nhằm tạo sức lan tỏa cho cuộc vận động, ngành công thương tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về sử dụng hàng Việt. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức hội chợ thương mại, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; mở rộng mô hình phân phối, các điểm bán hàng Việt để khẳng định thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường nội địa.
Tỉnh Hậu Giang cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động để phát triển thị trường trong nước, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Hiện tỉnh đang triển khai kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn và hoạt động tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 200 triệu đồng và nguồn vận động xã hội hóa khoảng 300 triệu đồng. Với nguồn kinh phí này, tỉnh sẽ tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, mua hàng Việt.
TP Cần Thơ cũng thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu dân cư; mỗi phiên chợ có từ 30 - 35 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia. Doanh thu mỗi phiên chợ đạt trên 700 triệu đồng. Còn tại An Giang, theo kế hoạch, năm 2018, các doanh nghiệp tỉnh này sẽ phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức trên 50 chuyến bán hàng lưu động do Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc, Công ty TNHH TM Sài Gòn thực hiện.
Tỉnh Trà Vinh cũng đã xây dựng dự án “Tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam”, với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam năm 2019” gửi Bộ Công thương phê duyệt. Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm đầu ra cho hàng Việt, hàng nông sản của tỉnh; tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Khu công nghiệp Long Đức…
Với những hỗ trợ tích cực kể trên, đến nay rất nhiều người tiêu dùng miền Tây Nam bộ khi được hỏi đều khẳng định, rất quan tâm và ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nhiều người tiêu dùng còn cho biết sẽ khuyên người thân, bạn bè mua hàng Việt Nam.