Hàng Việt vào thị trường Nga: Cửa đã rộng mở

Hàng Việt vào thị trường Nga: Cửa đã rộng mở

Đây là thông điệp được đưa ra trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch do UBND TPHCM thực hiện tại Liên bang Nga từ ngày 13 đến 25-9-2015 vừa qua. Thị trường Nga rộng lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Hàng Việt còn rất khiêm tốn

Trong những ngày ở Nga, chúng tôi đã nhiều lần đến các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi để tìm hiểu hàng hóa cũng như tâm lý tiêu dùng tại đây. Tại một số siêu thị, cửa hàng ở Mátxcơva và St.Petersburg, chúng tôi chỉ tìm thấy một vài sản phẩm như dứa đóng hộp, một số loại thủy hải sản đông lạnh… của Việt Nam. Còn khi đến tỉnh Sochi, dù mật độ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị khá dày đặc, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ sản phẩm nào có xuất xứ từ Việt Nam.

Gặp chúng tôi tại hội thảo xúc tiến thương mại và du lịch tổ chức tại St.Petersburg, chị Nguyễn Thị Minh Hạnh, giảng viên môn tiếng Việt một trường đại học tại Nga, cho biết: “Tôi đã làm khá nhiều đợt khảo sát mini đối với người Nga về hàng Việt. Đại đa số họ rất ưa chuộng hàng Việt bởi chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Ngoài những mặt hàng hiện diện tại siêu thị thì cộng đồng người Việt ở St.Petersburg cũng đã tìm đến nhiều cửa hàng quen có bán hàng Việt Nam như gạo, trà, cà phê Trung Nguyên, các loại bún, miến khô, khô cá các loại… Thường thì hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở Mátxcơva chứ chưa đến được nhiều tỉnh, thành phố khác của Nga. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chương trình xúc tiến để mở đường cho hàng Việt sang Nga nhiều hơn”.

Các doanh nghiệp Nga tìm hiểu các loại gạo của Công ty Tấn Vương trưng bày trong khuôn khổ hội thảo xúc tiến thương mại và du lịch vào Liên bang Nga năm 2015, tổ chức tại thủ đô Mátxcơva. Ảnh: HẢI HÀ

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Nga, cho rằng doanh nghiệp trong nước bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh với đối tác Nga. Theo ông Sơn, rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt vẫn chưa hào hứng với thị trường này là thiếu các thông tin chính xác về nước Nga, lo ngại Mỹ và các nước châu Âu cấm vận ảnh hưởng đến kinh tế, ngoại thương, thanh toán, bất ổn về chính trị, an ninh, xã hội... tại Nga.

Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Chí Kiên, Tổng giám đốc Công ty Amifish, một trong những doanh nghiệp rất thành công tại Nga, chuyên nhập khẩu các mặt hàng như gạo, thủy hải sản, nông sản khác của Việt Nam sang Nga và các nước Đông Âu, lại cho rằng hầu hết các doanh nghiệp còn ngại khó và không chịu đầu tư cho một chiến lược dài hạn vào thị trường này. Tổng giám đốc một doanh nghiệp của TPHCM thừa nhận: “Chỉ khi đi cùng đoàn khảo sát của thành phố, tai nghe, mắt thấy nước Nga cũng như sức mua, tôi đã thay đổi hẳn những ý nghĩ ấu trĩ về đất nước này. Chuyến đi cũng đã giúp công ty tìm được một số đối tác để xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào Nga”.

Hội đủ yếu tố nhân hòa, địa lợi

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đang nắm trong tay các cơ hội hiếm có để tăng lượng hàng xuất khẩu vào thị trường Nga. Đó là: 2 nước có mối quan hệ khắng khít; theo lộ trình, vào đầu năm 2016, các cam kết trong FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mức thuế suất hàng loạt mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sẽ cắt giảm và đưa về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng Việt tại Nga. Mặt khác, do đang chịu sự cấm vận từ các nước châu Âu nên Nga cần mở rộng nguồn cung mới để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chân, chắc chắn sẽ mất lợi thế tại thị trường rộng lớn này.

Theo ông Dương Chí Kiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm đối tác, đặc biệt là có chiến lược dài hạn để tiếp cận thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp phải chấp nhận những chi phí ban đầu về kho bãi, quảng bá, về tài chính nhằm có thể chịu đựng việc lưu hàng tại kho để bán dần và từng bước thích nghi. Thị trường Nga rất rộng lớn, nhìn bề ngoài có thể rất khó thâm nhập nhưng khi đã nắm được những đặc điểm và tìm được cách giải quyết những khó khăn thì việc bán hàng vào Nga sẽ rất thuận lợi.

Ông Kiên cho biết, hàng hóa của Việt Nam có chất lượng rất tốt, hơn hẳn hàng Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông sản, may mặc. Tuy nhiên, “Doanh nghiệp Việt Nam sang Nga để tìm hiểu thị trường khá nhiều nhưng lại không chịu đi sâu nắm bắt thị trường, vừa gặp khó khăn một chút là nản lòng ngay. Nếu chúng ta đi tận cùng đến sự khó khăn xem nó khó ở đâu, vướng cái gì để tìm cách giải quyết và biết dựa vào lợi thế của cả một cộng đồng người Việt đang làm ăn tại Nga, thì chắc chắn lượng hàng xuất khẩu sang Nga sẽ tăng mạnh”, ông Dương Chí Kiên khẳng định.

Một thông tin khác, UBND TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Cục Xúc tiến thương mại, Ngân hàng BIDV và Công ty cổ phần Đầu tư Trung tâm Thương mại Hà Nội - Mátxcơva (Incentra) sẽ tổ chức “Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015”. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 12-11 đến 12-12-2015 tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva (Liên bang Nga). Vietnam Airlines sẽ giảm 50% chi phí vé máy bay cho doanh nghiệp tham gia hội chợ. Ngân hàng BIDV tài trợ một phần kinh phí chuẩn bị mặt bằng. Công ty Incentra miễn 100% phí thuê gian hàng, hỗ trợ 50% phí lưu trú tại khách sạn Hà Nội - Mátxcơva và chi phí đi lại trong khu vực khảo sát thị trường theo chương trình hội chợ, hỗ trợ thủ tục làm visa sang Liên bang Nga. Về vấn đề thanh toán giữa các doanh nghiệp Việt - Nga, ông Lê Đào Nguyên, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho biết ngân hàng này đã triển khai kênh thanh toán song phương để chuyển tiền hoặc bù trừ trên tài khoản đã mở để phục vụ nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp.

Kết thúc đợt đi xúc tiến, khảo sát thị trường Nga, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kết luận: “Tiềm năng thương mại giữa hai nước là quá lớn, nhưng từ nhiều năm qua doanh nghiệp Việt Nam còn bỏ ngỏ. Đến nay, cánh cửa vào Nga đã rộng mở, Việt Nam có hẳn một tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva rộng lớn, có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp. Như vậy, việc tăng lượng hàng xuất khẩu vào Nga đã hội đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vấn đề thành hay bại phụ thuộc vào chính sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp”.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục