Hàng xóm dạy con

Hàng xóm nhà tôi ở khu đô thị mới là một cặp vợ chồng trẻ người Hà Lan. Là kỹ sư nông nghiệp, sang Việt Nam, họ mê giống bưởi năm roi nên quyết định khởi nghiệp tại đây. Khi lập trang trại trồng và chế biến bưởi xuất khẩu ở miền Tây, họ còn xây nhà ở cho công nhân và nhà trẻ cho con cái họ.

Gia đình họ có một cậu con trai 4 tuổi, một em bé 9 tháng tuổi và có cách dạy con khá đặc biệt. Một lần sang nhà họ, tôi nói chuyện với bà mẹ trẻ ở dưới nhà, thằng bé 9 tháng ngủ trên lầu, khi nghe tiếng trẻ ọ ẹ, tôi thấy bà mẹ vẫn thản nhiên. Thắc mắc thì cô giải thích, khi bé mới thức dậy, đừng vội vỗ về mà để cho bé tự chủ một mình, để lắng nghe, quan sát và làm quen với xung quanh. Một lúc sau chúng tôi lên, thằng bé nằm trong cũi đang cười và u ơ nói chuyện với cái… trần nhà.

Chuyện ăn uống của bọn trẻ luôn là một cực hình với các bà mẹ, nhưng với gia đình này thì mọi việc lại nhẹ tênh. Văn phòng ở cách nhà khoảng 2km, buổi trưa dù mưa hay nắng thì cô vợ vẫn đạp xe về cho con bú. Đến bữa ăn, trong khi nhiều bà mẹ trẻ hoặc mở ti vi, iPad hoặc vác con đi rong để dỗ ăn từng miếng thì cậu anh 4 tuổi ngồi ngay ngắn vào bàn tự xúc ăn, cậu em cũng ngồi vào ghế đàng hoàng để ăn cháo, nếu thích thì được phép bốc tay ăn một số món rau củ quả.

Bà mẹ trẻ chia sẻ, nếu đến bữa mấy đứa nhỏ mà không ăn thì đồ ăn sẽ được đem cất đi, sau đó nếu đòi cũng không cho ăn mà chờ đến bữa sau. Cứ như vậy, việc cho tụi trẻ ăn dần thành nề nếp.

Đặc biệt, gia đình họ rất có ý thức bảo vệ môi trường. Nhà họ không có xe hơi. Cả hai vợ chồng đều đi làm bằng xe đạp. Cuối tuần thì cả nhà cùng nhau đạp xe đi bơi, ngắm cảnh. Ở ngoài sân cạnh bếp, họ đào một cái hố để mọi người cùng bỏ rác thải hữu cơ: thịt, cá, rau, củ, lá cây… vào đó để ủ phân bón cây. Các loại rác khác đều để riêng. Nhà họ cũng không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào, họ xả quần áo bằng nước chanh và lau nhà thì pha một chút giấm…

… Những buổi chiều cuối tuần, bà con trong khu dân cư vẫn thường thấy bố con họ lui cui ngoài vườn. Bố xẻng lớn, ủng lớn; con xẻng nhỏ, ủng nhỏ đào đào, bới bới. Những khoảnh khắc tưởng chừng rất đơn giản ấy lại là những ký ức khó phai, trở thành hành trang, điểm tựa quý giá cho đứa trẻ tiếp tục vững bước đi trên đường đời.

MINH MINH

Tin cùng chuyên mục