Hành trình trọn vẹn của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc

Tôi được tin về sức khỏe của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM, nhập viện lúc 15 giờ (giờ Pháp) ngày 6-3, khi đang cùng cha Antôn Nguyễn Văn Nên đến hãng Loirin (Chartres, Pháp) chọn kính màu cho việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nghe tin Đức Tổng đột quỵ, tôi bàng hoàng xúc động. 

 

 

Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Sáng hôm sau, tôi và cha Nên bay qua Rome (Italia) để trao đổi với các đức cha về việc chuyển thi hài Đức Tổng về Việt Nam và tổ chức Thánh lễ an táng ngài thế nào. Tại Rome, tôi đã bật khóc. Nơi đây - Rome, tôi và ngài đã có nhiều kỷ niệm. Trong tôi, ngay lập tức, như có một cuốn phim quay chậm, bao kỷ niệm với ngài ùa về, rồi bao nhiêu công việc đã từng đồng hành cùng ngài như tái hiện.

Mới mấy hôm trước, khi lên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất, ngài vẫn vui vẻ, nhưng tới sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp), ngài có vẻ mệt mỏi. Khi nhận đủ hành lý, các đức cha đi ra trước. Tôi để ý và lo cho Đức Tổng khi thấy ngài đi chậm hơn bình thường. Ngài kéo va li nhỏ, rất nhỏ, song đi không nổi. Từ chỗ lấy hành lý ra bên ngoài, đoạn đường di chuyển khoảng 800m, ngài mệt và phải dừng lại nghỉ. Trong lúc chỉ còn hai cha con chúng tôi, Đức Tổng dặn dò: “Ráng nha, ráng trùng tu nhà thờ Đức Bà cho ngon lành nha!”. Tôi thưa lại: “Dạ, con sẽ cố gắng, thưa Đức Tổng”. Một lúc lâu sau, ngài vẫn chưa đi và nói tiếp: “Chừng nào cha xây nhà xứ Chính tòa?”. Tôi trình lại: “Thưa Đức Tổng, con nghĩ sớm nhất phải cuối năm 2019, khi mà việc trùng tu nhà thờ Đức Bà gần xong. Lúc đó, con mới bắt tay xây nhà xứ Chính tòa”. “Nhớ làm cho đẹp nha! Và nhờ thêm Công ty Eurohaus phụ với cha”, Đức Tổng căn dặn. 

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ ngài nhắc vậy thôi. Sau đó, cha con tôi chia tay nhau, tôi sang Đức để lo đặt gạch trùng tu nhà thờ Đức Bà. Đức Tổng đi cùng đoàn sang Rome (Italia). Đức Tổng còn dặn tôi đi vui vẻ. Vậy mà giờ đây, ngài đã ra đi. Tôi sốc và lặng người. Giờ tôi nghĩ lại, thấy có sự trùng hợp lạ lùng giữa hai Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, những người mà tôi từng kề cận, thương 2 ngài như người cha tinh thần. 23 năm trước, năm 1995, trước khi qua đời mấy ngày, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng gọi tôi và cha Antôn Mạnh vào Bệnh viện Thống Nhất để căn dặn: “Tôi chắc không sống bao lâu nữa. Nhưng hai cha còn sống, ráng xây cho được nhà hành hương Bãi Dâu để các cha, tu sĩ, giáo dân đi hành hương kính đức Mẹ có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng”. Chúng tôi hứa: “Chúng con sẽ làm hết sức”. 13 năm sau, chúng tôi mới thực hiện được nguyện vọng của ngài. Giờ tôi mới hiểu, lời dặn ở Paris là lời trăng trối của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc dành cho tôi.

Trong thời gian tôi cùng Đức Tổng đồng hành lo cho giáo phận, có nhiều kỷ niệm, nhiều ân tình Đức cha dành cho tôi. Mùa chay 2014, khi Đức Tổng về TPHCM, ngài gọi tôi và nói: “Tôi muốn cha giúp tôi cái này”. “Đức Tổng muốn con làm gì?”, tôi thưa lại. Ngài nói: “Cha làm Tổng đại diện cho tôi”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi thưa trình: “Thưa Đức Tổng, con không biết con làm nổi hay không, đủ sức hay không, đủ khả năng hay không?”. Ngài nói: “Tôi đã tham khảo ý kiến của các cha lớn tuổi trong Tổng giáo phận và tôi nói cha làm được”. “Con sẽ giúp Đức Tổng theo khả năng giới hạn của con”, tôi thưa lại. Là tổng đại diện, kề cận bên ngài, thành ra ngài chia sẻ với tôi nhiều việc. Trở lại câu chuyện 23 năm trước, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình không để lại di chúc, chỉ dặn: “Nguyện vọng khi chết muốn an táng tại nhà nguyện của Tiểu chủng viện Thánh Giuse (nay là nhà nguyện của Trung tâm Mục vụ, đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Vì nơi đó khi đi tu, tôi bước vô đó đầu tiên”. Chúng tôi tôn trọng ý ngài. Mấy năm trở lại đây, một lần tôi cùng Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc ghé Trung tâm Mục vụ, ngài hỏi: “Trong nhà nguyện cha chôn ai?”. Tôi thưa: “Là Đức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình và bên phải là Đức Giám mục phụ tá Luy Phạm Văn Nẫm”. Ngài hỏi tiếp: “Mai mốt tôi chết thì chôn đâu? Chôn ở đây được không?”. “Tùy Đức Tổng, ngài muốn nằm đâu cũng được hết”, tôi thưa lại. Ngài từng ngỏ ý như vậy và bây giờ ngài về với Chúa, chúng tôi làm theo ý ngài, an táng ngài bên cạnh Đức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình. 

Châm ngôn giám mục của ngài là “Chúa là niềm vui của con”. Quả thật, cả cuộc đời Đức Tổng đã dâng trọn cho Chúa. Ngài lo chung cho Tổng giáo phận, từ các đoàn thể tông đồ giáo dân, từ người già, người trẻ, thiếu nhi... Tính tình ngài vui vẻ, cởi mở, chân tình, sống chan hòa với tất cả mọi người. Ngài ở TPHCM chỉ có 4 năm, song thời gian đó và cả cuộc đời, ngài dành tình cảm đặc biệt, bác ái với người nghèo, bằng cách này cách khác giúp đỡ người nghèo một cách âm thầm, giúp đỡ nhiều nơi. Mới đây, ngài đã cho tổ chức bữa cơm dành tặng 600 người nghèo; trực tiếp ăn cơm, tặng quà với những mảnh đời còn khó khăn. Trước Noel 2017, ngài gặp gỡ trẻ em khuyết tật, trò chuyện với mấy ngàn em. Trong giáo hội, ngài cố gắng sống theo lời Chúa dạy. Ngài yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt. Ngài còn quan tâm tới việc mục vụ của Tổng giáo phận rất nhiều. Nhiều lúc mệt nhưng khi được mời dâng lễ, ngài vẫn cố gắng đi hết. Và việc quan trọng, với tư cách Tổng Giám mục như Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình khi xưa, Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc luôn cởi mở, giao lưu rộng rãi với các tôn giáo bạn. Ngài đặc biệt quan tâm tới công cuộc truyền giáo, ngài giao cho Giám mục phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng (nay làm giám quản Tổng tòa Tổng giáo phận Sài Gòn - TPHCM), mở rộng các giáo điểm để anh chị em nhập cư có nơi thờ phượng Chúa. Với đất nước, ngài tiếp nối đường hướng của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đó là kế tục con đường trung thành với Chúa, trung thành với giáo hội; đồng thời yêu thương dân tộc, đồng hành với đất nước. 

Ngài mất đi để lại sự thương tiếc không chỉ trong giáo dân mà còn trong cộng đồng xã hội. Đó là tình cảm tự nhiên. Dù vậy, trong niềm tin Công giáo, tôi nhìn thấy cách ra đi của Đức cố Tổng rất đẹp, bởi: ngài trở về với Chúa trong chuyến đi Ad Limina giữa Đất Thánh - Rome, trong sự hiện diện của đông đủ các Giám mục trong Hội đồng giám mục Việt Nam, lại được cả Đức Thánh cha lẫn Đức Hồng y Quốc vụ khanh dâng lễ cầu nguyện tại đền thờ Thánh Phêrô. Đó thực sự là một hành trình trọn vẹn, một cuộc đời trọn vẹn cống hiến cho giáo hội. Một điều đặc biệt, ngài ra đi rất nhẹ nhàng. Trước thời điểm trở về với Chúa, thể xác ngài kiệt quệ nhưng tinh thần ngài luôn minh mẫn. Ngài tham dự tất cả mọi buổi họp, gặp gỡ ở Rome, không bỏ buổi nào. Trong khi di chuyển, dù mệt nhọc, ngài cũng tự làm mọi việc, không nhờ vả ai. 

Tôi biết trong những ngày này, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân trong đại gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn - TPHCM đau buồn thương tiếc. Tôi mong quý anh chị em biến đau buồn thành hành động cụ thể, noi gương Đức Tổng, kiên cường vượt qua khó khăn, giữ vững tinh thần trong hành trình dấn thân theo Chúa: sống yêu thương mọi người. Mình là con cái của giáo hội, phải thương yêu giáo hội, đồng thời là công dân của đất nước, cần đồng hành với dân tộc, với đất nước vượt qua các khó khăn, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh; xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 
 Linh mục INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
 Tổng đại diện Tổng Giáo phận TPHCM

Tin cùng chuyên mục