Chúng tôi vượt sông Tiền bằng phà qua cù lao Tây đến xã Mỹ Huề, huyện Thanh Bình 2, tỉnh Đồng Tháp thăm anh Vũ Trung Kiên, tức Tư Kiên, Bí thư Đảng ủy xã liên tục 25 năm liền. Hỏi thăm người dân địa phương, ai cũng biết đến Tư Kiên, bởi anh là người có công biến vùng cù lao “trắng” này thành một vùng đất trù phú.
Năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, anh tạm biệt quê hương Nam Định vào bộ đội chủ lực. 19 tuổi, anh đã vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu. Đầu năm 1968, anh nhận được lệnh vượt Trường Sơn vào Nam, chiến đấu tại mặt trận miền Tây Nam bộ… Sau ngày miền Nam giải phóng, anh đã ở lại vùng đất sông nước này, kết duyên cùng một cô giáo làng và xem cù lao Tây như là quê hương thứ hai của mình.
Mặt trận không tiếng súng
Sống và chiến đấu ở vùng sông nước Nam bộ hàng chục năm trời, Tư Kiên chẳng khác gì chàng trai Nam bộ thứ thiệt. Anh hiểu rõ từng tấc đất, hàng cây và tâm tính con người vùng cù lao này. Mảnh đất cù lao Tây được bao bọc bởi hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Trước giải phóng, địch chiếm đóng vùng cù lao và siết chặt an ninh đến mức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Vì vậy, vùng cù lao được coi là “vùng trắng” về mọi mặt: Cơ sở hạ tầng, các tổ chức chính trị và thiếu nhất là những “hạt giống đỏ” - đảng viên…
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tư Kiên tiếp quản vùng cù lao này. Sau khi xuất ngũ, năm 1981, anh và 2 đồng chí khác được phân công về xã Tân Huề làm hạt giống đỏ, lập chi bộ Đảng đầu tiên để gây dựng phong trào. Từ đó anh gắn bó với vùng đất cù lao này như thể… duyên trời định vậy.
Tư Kiên lại trực tiếp lao vào mặt trận mới không tiếng súng. Với cương vị là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Mỹ Huề, Tư Kiên xác định rõ: “Trước mắt phải xây dựng cho được đội ngũ đảng viên và các tổ chức chính trị, đoàn thể. Vì sau 6 năm giải phóng, tuy xã đã có bộ máy chính quyền non trẻ, song chưa hề có… đảng viên và tổ chức Đảng.
Ngay cả chủ tịch xã và trưởng công an xã cũng chưa phải là đảng viên”! Để thực hiện mục tiêu đó, Tư Kiên tích cực rà soát danh sách, xem xét đạo đức tác phong, lý lịch từng người… rồi chọn những người ưu tú nhất gửi lên huyện, tỉnh học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, văn hóa, nghiệp vụ quản lý, nâng cao kiến thức chính trị… Khi anh em trở về công tác có tiến bộ, chi bộ nhanh chóng hoàn tất thủ tục kết nạp họ vào Đảng.
Đồng chí Lê Hoàng Tiến, hiện là Trưởng Công an xã Mỹ Huề, tâm sự: “Nhờ anh Kiên dìu dắt, đào tạo nên năm 1983 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành người đảng viên thứ 9 trong chi bộ. Tôi không bao giờ quên người bí thư hết lòng vì thế hệ đảng viên trẻ như anh Kiên…”. Nhiều đảng viên thuộc lớp đảng viên đầu tiên của xã được kết nạp Đảng những năm 80 nay đã trưởng thành. Họ đang là những cán bộ chủ chốt của huyện, tỉnh.
Đồng chí Đỗ Văn Tài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Tân Huề, bộc bạch: “Tôi được anh Kiên đào tạo và kết nạp Đảng từ năm 1987. Hiện nay trực tiếp tham gia công tác xây dựng Đảng, tôi càng khâm phục anh Kiên hơn. anh là người bí thư xã đầu tiên đã biết biến không thành có. đúng là hạt giống đỏ ươm những mầm xanh có ích trên mảnh đất cù lao cằn cỗi này…”.
Điểm sáng ở cù lao Tây
Khi xây dựng được đội ngũ đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, anh Kiên lại cùng đội ngũ đảng viên trẻ bắt tay củng cố các tổ chức chính trị, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh… Đến nay, tại đây đã có cả một hệ thống đoàn thể vững mạnh với mạng lưới “chân rết” rộng khắp từng xóm, ấp. Nhờ vậy tình hình an ninh, trật tự bảo đảm, người dân không hề sợ trộm cắp. Trước sự lớn mạnh của đội ngũ đảng viên, chi bộ xã Tân Huề được Đảng bộ cấp trên nâng lên thành Đảng bộ xã với hàng trăm đảng viên. Tư Kiên vẫn được tín nhiệm liên tục bầu làm bí thư Đảng ủy xã qua các nhiệm kỳ.
Có tổ chức Đảng vững mạnh rồi, anh Kiên tiếp tục cùng với “ê kíp” của mình tích cực chăm lo đời sống người dân. Từ một xã không điện, đường, trường, trạm… nay xã Tân Huề không thiếu thứ gì. Điện đã về làm sáng bừng vùng cù lao, phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nông dân; 100% đường sá được trải nhựa, bê tông hóa; không còn cảnh học sinh phải học ca 3 vì các trường cấp 1, 2, 3 đảm bảo cho cả ngàn học sinh theo học; trạm y tế xã mới xây khang trang đủ giường bệnh và phương tiện khám, chữa bệnh cho người dân trong xã.
Suốt 25 năm (từ 1981-2006) làm bí thư Đảng ủy xã, Tư Kiên đã thể hiện rõ nét vai trò cá nhân tiên phong gương mẫu, góp phần đưa một xã cù lao nghèo vươn lên thành một xã vững mạnh, sung túc. Giờ đây, tuy đã giao lại nhiệm vụ cho lớp đảng viên trẻ song anh vẫn cùng họ giải quyết những vướng mắc phát sinh. Anh tâm sự: “Không có gì hạnh phúc bằng được đóng góp chút công sức nhỏ bé cho quê hương thứ hai của mình…”.
MINH NGỌC