Thời gian qua hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM đã có những chuyển biến tích cực, phục vụ cho nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của cư dân thành thị, qua đó góp phần làm giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho đến tháng 10-2010, toàn địa bàn thành phố đang có tổng cộng 150 luồng tuyến buýt, trong đó tuyến buýt có trợ giá áp đảo với 113 tuyến. 112/113 tuyến buýt có trợ giá là loại hình buýt phổ thông nội tỉnh, còn lại là tuyến lân cận.
Đội ngũ luồng tuyến này có lượng vận tải hành khách công cộng hơn 287 triệu lượt hành khách trong suốt 10 tháng đầu năm, đạt tỷ lệ 68% kế hoạch năm 2010, trong đó buýt có trợ giá phục vụ hơn 251 triệu lượt, chiếm tỷ lệ 59,5% còn lại là lượng phục vụ của buýt không trợ giá và taxi. So với cùng kỳ năm 2009, lượng phục vụ tính ra đã tăng 8%.
Phân tích chi li hơn nữa, người ta thấy rằng trong 10 tháng đầu năm nay, số chuyến xe buýt có trợ giá ước tính thực hiện được khoảng hơn 5 triệu chuyến, tính ra bình quân mỗi ngày là 18.041 chuyến, sụt giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước đó. Bù lại, số lượng hành khách bình quân mỗi chuyến đạt khoảng 53 người, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách cũng như để nâng cao trình độ quản lý, các đơn vị - nhà xe đã chủ động đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại như hệ thống GPS, hệ thống rao trạm tự động, bán vé tự động hoặc thậm chí đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch CNG… Dù sao đi nữa, những nỗ lực ấy vẫn là những điểm son đáng trân trọng, đáng ghi nhận của địa hạt buýt thành phố. Nhưng bức tranh toàn cảnh hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM 10 tháng đầu năm nay vẫn còn ít nhất hai điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, sự biến động theo chiều hướng tụt giảm phương tiện xe buýt khi mà có hơn 100 xe buýt lớn bé các loại vì nhiều lý do đã phải chuyển hệ sang phương thức, loại hình hoạt động khác. Thứ hai, sự “ế ẩm” một cách bất thường của các tuyến buýt được cơ quan chức năng đưa ra mời thầu rộng rãi thời gian qua. Tiêu biểu như các tuyến buýt số 44 lộ trình Cảng quận 4 - chợ Bến Thành - Bình Quới; tuyến buýt số 100 lộ trình Bến xe Củ Chi - cầu Tân Thái; tuyến buýt số 26 lộ trình chợ Bến Thành - Bến xe miền Đông…
Được biết cho đến giữa tháng 10 qua, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng đã phải lần thứ 3 đưa ra thông báo mời thầu rộng rãi nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi, vì không thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các đơn vị vận tải.
Cũng chẳng có gì lạ, địa hạt kinh doanh vận tải buýt trong bối cảnh mức trợ giá lỗi thời hiện nay cộng với thị trường biến động giá cả khó lường nên tham gia vào là phần lỗ nhiều hơn phần thắng. Nói một cách hình tượng hơn, địa hạt kinh doanh vận tải bằng xe buýt tại thành phố giờ đây không còn đủ “duyên” để thu hút sự quan tâm nhập cuộc của bá tánh. Không những thế, điều này có thể sẽ kéo dài cho đến khi nào cấp thẩm quyền trả lời được câu hỏi: Tăng trợ giá hay tăng giá vé?
Sẽ vẫn còn tình trạng “dứt áo ra đi” của một số chủ phương tiện hoặc vẫn ở lại nhưng trong tâm trạng rối bời, cầm cự. Ngặt một nỗi, nếu cứ trong trạng thái này thì hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lại có nguy cơ xảy ra thiếu đầu xe phục vụ, hoặc xe không đủ tiêu chuẩn vẫn phải chạy – đồng nghĩa sẽ nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông khi vận hành…
MINH TUẤN