Hiểm họa từ gần 200 điểm giết mổ gia cầm không phép

Dịch cúm gia cầm H5N6 đã xuất hiện tại một số địa phương, thế nhưng hiện nay việc mua bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều chợ tự phát, không được kiểm soát. Nhiều người dân tại tỉnh Đồng Nai đang lo ngại hiểm họa từ gần 200 điểm giết mổ gia cầm không phép trên địa bàn.

Tại Đồng Nai chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng điều đáng lo là việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm tại đây chưa được quan tâm, kiểm tra chặt chẽ. Như ở TP Biên Hòa, mặc dù quy định cấm giết mổ gia cầm sống tại chợ đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng vi phạm vẫn diễn ra tại nhiều chợ, nhất là tại các chợ tự phát.

Tại chợ Tam Hòa (phường Tam Hòa), khu vực bán gia cầm sống nằm sát với bãi rác ở chợ. Hàng ngày ở đây từ 15 giờ, việc mua bán đã nhộn nhịp, người bán giết mổ, vặt lông, cắt tiết gà vịt ngay trên miệng cống, nước thải ô nhiễm, nước rỉ rác từ bãi rác chảy qua. Các loại xoong nồi, máy vặt lông, chậu rửa... bám đầy lông gà, lông vịt nằm ngổn ngang trên nền đất dơ bẩn.

Tại khu chợ tự phát từ đầu đường Nguyễn Văn Tiên (phường Tân Phong) đến gần cây xăng 26 trên đường Đồng Khởi (phường Trảng Dài), trong quãng đường dài chừng 500m nhưng có đến 7 điểm mua bán, giết mổ gia cầm tại chỗ, một số điểm tràn lan chất thải gia cầm bốc mùi hôi thối, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Sau khi giết mổ gà vịt giao cho khách, người bán vét những thứ còn lại như cặn tiết, lông, ruột cho vào một chiếc thùng, còn lại đẩy xuống cống thoát nước hoặc xả chảy tự do ra đường.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tại TP Biên Hòa hiện có khoảng 200 điểm mua bán, giết mổ gia cầm không phép, trong đó nhiều nhất ở phường Long Bình, kế đến là các phường Trảng Dài, Tam Hòa, Hóa An, Hố Nai... Các điểm giết mổ này đều mất vệ sinh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Các đoàn liên ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra nguồn hàng tại chợ truyền thống, định kỳ khử trùng, tiêu độc tại các điểm bán gia cầm có chứng nhận đã qua kiểm dịch. Tuy nhiên đối với các điểm bán tại chợ tự phát ở lề đường thì rất khó kiểm soát. Theo phân cấp quản lý, những khu chợ ở các phường xã thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, nhưng nhiều địa phương thiếu sự giám sát, dẫn đến các điểm giết mổ gia cầm tự phát tràn lan. Do vậy, về lâu dài, lãnh đạo TP Biên Hòa cũng nên có kế hoạch sắp xếp ở mỗi chỗ một góc giết mổ an toàn, vệ sinh để đáp ứng nhu cầu của người dân và tiểu thương”.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, gây thiệt hại sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai cần kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục