Hiểm nguy nghề gác chắn

Nghề gác chắn đường sắt công việc tưởng nhàn nhã, mỗi chuyến tàu chạy qua đường ngang giao cắt với đường bộ chỉ chừng 5 phút, nhưng chỉ cần một phút giây lơ đãng là để lại hậu quả khôn lường.
Hiểm nguy nghề gác chắn

Nghề gác chắn đường sắt công việc tưởng nhàn nhã, mỗi chuyến tàu chạy qua đường ngang giao cắt với đường bộ chỉ chừng 5 phút, nhưng chỉ cần một phút giây lơ đãng là để lại hậu quả khôn lường.
 
Làm dâu trăm họ
 
Chiều tan tầm, đường phố ồn ào tấp nập nhưng tại gác chắn đường sắt trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), nhân viên gác chắn đường sắt Nguyễn Thị Duyên vẫn lặng lẽ trực bên chiếc điện thoại với công việc của mình. Tàu đến. Miệng thổi còi báo hiệu cho người đi đường biết tàu đến, đồng thời kéo cần chắn để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và người đi đường. Do vào lúc tan tầm, phương tiện qua lại động nghịt nên vất vả lắm Duyên mới hạ được cần chắn vào vị trí.

Chuyến tàu qua an toàn. Duyên cho biết, mỗi ngày bình quân 50 chuyến tàu qua lại, phải ra đóng chắn, lúc bình thường thì không sao nhưng gặp lúc kẹt xe, để đóng được gác chắn đường an toàn thì không đơn giản. Nhiều lúc còn bị người đi đường chửi bới, đòi đánh vì không cho họ đi qua.

“Thế nhưng cũng chưa nguy hiểm bằng đêm khuya, đường vắng các phương tiện chạy như bay. Thúc thẳng vào giàn chắn, thậm chí thúc thẳng vào người nhân viên. Bản thân em cũng đã một lần bị xe tông thẳng vào người làm gãy xương đùi, phải nghỉ việc mất mấy tháng!” - Duyên cho biết. 

Nhân viên gác chắn đang đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua tại gác chắn Hoàng Văn Thụ.

Nhân viên gác chắn đang đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua tại gác chắn Hoàng Văn Thụ.

Ghé qua gác chắn Trần Văn Đang, đây là gác chắn đặc biệt và hàng ngày phải đóng chắn hàng trăm lần. Đây là gác chắn có đến 4 xe chắn. Bởi ngoài các chuyến tàu ra vào ga Sài Gòn còn có thêm những chuyến dồn toa về xí nghiệp toa xe để làm vệ sinh, hay đưa đầu máy về xí nghiệp đầu máy bảo dưỡng nên mật độ tàu qua lại nơi đây rất dày. Tại đây, phải bố trí xe chắn, mỗi xe phải 2 người đẩy mới đi vào được vị trí an toàn.

Giữa nắng gắt, dừng xe chờ cho tàu qua đã mệt, huống hồ những công nhân gác chắn phải gồng mình kéo đẩy những dàn chắn barrier nặng nề hàng trăm kilôgam. “Làm nghề này như làm dâu trăm họ. Có người vui vẻ, nghiêm túc chấp hành luật, nhưng cũng có những kẻ bất cần đời lao qua rào chắn, thậm chí còn buông lời thóa mạ đối với nhân viên gác chắn. Nghe chửi là chuyện thường! Tối qua, bọn em gặp mấy thanh niên đi nhậu về nồng nặc mùi rượu bia nhất quyết đòi mở chắn cho đi. Khi chúng em không đồng ý, cả nhóm nhảy xuống đòi đánh.

Ngoài ra, đêm khuya, nhiều con nghiện còn vật vờ đến chốt trực xin tiền đi chích…” - nhân viên gác chắn Võ Thị Hương cho biết.

Đãi ngộ chưa tương xứng

Vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng tiền lương của nhân viên gác chắn lại rất “bèo”. Lương của nhân viên gác chắn chỉ khoảng 2 triệu đồng/người/tháng nếu tính cả tiền tăng ca. Chị Hương cho biết, lương bậc 3 của chị còn thấp hơn cả lao động phổ thông ở quê vào đi may mặc.

“Em nghe nói lương tối thiểu trong doanh nghiệp tại TPHCM là 2 triệu đồng/người/tháng. Không ít nhân viên dù yêu nghề nhưng không sống nổi với nghề nên đã bỏ việc” - chị Hương giãi bày.

Còn anh Trần Ngọc Hòa có thâm niên hơn 20 năm làm việc ở gác tại Km 1.725 + 850 đường Trần Văn Đang cho biết, mỗi tháng lương chưa đến 3 triệu đồng. “Mình ở thành phố còn đỡ, những đồng nghiệp khác ở các tỉnh xa, phải đi thuê nhà không đủ sống. Nói thật lòng, ăn mì gói tối ngày còn lo không đủ chứ nói gì đến chuyện mua sắm. Nhiều người tranh thủ làm thêm, gái thì may gia công, trai thì phụ hồ, chạy xe ôm… Đồng lương là vậy, chứ trách nhiệm thì cao. Nghề này trông thế mà áp lực, an toàn phải bảo đảm tuyệt đối. Lơ mơ là đi tù như chơi. Vất vả là vậy, nhưng nhiều người không thông cảm còn gây sự, chửi bới om sòm. Vì sự an toàn của chính họ mà chúng tôi cứ phải nhịn...” - anh Hòa tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện công việc của những nhân viên gác chắn rất vất vả và nguy hiểm. Mặc dù đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng vệ, thao tác đúng quy trình nhưng khi đóng, mở hoặc đang làm vệ sinh trên đường ngang, những nhân viên gác chắn đều có thể bị thương hoặc tử vong do các phương tiện đường bộ gây ra.

Chỉ tính riêng cung đường từ Bình Thuận trở vào do công ty quản lý có khoảng 30 vụ các phương tiện giao thông đường bộ lao vào gác chắn làm bị thương nhiều người. Thậm chí, tại gác chắn Gia Ray - Trảng Táo (Đồng Nai) ô tô đâm hỏng cần chắn, hất nhân viên gác chắn vào tàu, chết tại chỗ.

“Hiện nay chúng tôi còn thiếu 40 nhân viên gác chắn nhưng tuyển hoài không được nên phải điều động nhân viên làm tăng ca để bù đắp thiếu hụt” - vị lãnh đạo này thừa nhận.

Hiện với tổng số 2.800 nhân viên gác chắn, trong đó hơn một nửa là nữ, làm việc tại gần 600 cần chắn, dàn chắn đẩy, trong đó 250 có cảnh báo, 682 có biển báo, nên rất cần giải pháp đảm bảo an toàn. 

 

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục