Tại đây, các doanh nghiệp cấp nước cùng khẳng định việc ứng dụng CNTT là một trong những hoạt động quan trọng hướng tới hiện đại hóa hệ thống cấp nước trong xu hướng công nghiệp 4.0.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Tham dự hội thảo có đại diện 6 bên, gồm: Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Sawaco; ông Shizuya Kuriya, Cục phó Cục cấp nước Yokohama; ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước TP Đà Nẵng; ông Vương Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngành nước miền Nam; ông Phạm Thành Đạt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngành nước và môi trường; PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến và PGS-TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cùng đại diện nhiều công ty cấp thoát nước khác.
Chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước, các chuyên gia ngành cấp nước trong và ngoài nước nhấn mạnh: ứng dụng CNTT cùng các giải pháp công nghệ đã giúp kết nối, phát triển hiện đại hóa hệ thống cấp nước. Việc ứng dụng CNTT chính là giải pháp thông minh, mang lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, kiểm soát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó có kiểm soát, giảm thất thoát, thất thu nước sạch. Điều quan trọng hàng đầu được các chuyên gia đặt ra với ngành cấp nước là làm sao để việc ứng dụng CNTT giúp tăng chất lượng phục vụ người dân và giảm tỷ lệ thất thoát nước (trong quá trình truyền dẫn) xuống mức thấp nhất có thể.
Nhiều tiện ích
Đại diện Sawaco cho rằng, lộ trình phát triển ứng dụng CNTT trong quản lý vận hành mạng lưới cấp nước sẽ giúp hoàn thiện thống nhất dữ liệu từ các số liệu rời rạc, hệ thống đơn lẻ đến sự tích hợp và tạo nên nền tảng thống nhất. CNTT cũng giúp tích hợp các hệ thống, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin từ các ứng dụng. Qua đó giúp công tác quản lý, vận hành, ra quyết định với sự hỗ trợ từ nguồn dữ liệu sẽ nhanh chóng, kịp thời.
Tại hội thảo, đại diện Công ty cổ phần Cấp nước TP Đà Nẵng chia sẻ, khi áp dụng CNTT trong quản lý đã giúp các dữ liệu về áp lực, lưu lượng và chất lượng nước được thông tin rõ ràng, rộng rãi hơn. Cán bộ quản lý có thể theo dõi ở mọi nơi để chỉ đạo, kiểm soát việc vận hành nhà máy cũng như toàn mạng lưới, giúp quá trình điều hành sản xuất được tốt hơn. Ngoài ra, các ứng dụng cũng giúp khách hàng có thể truy cập vào hệ thống để xem nhiều thông tin cần thiết. Điều quan trọng khi ứng dụng CNTT, theo đại diện đến từ TP Đà Nẵng, chính là nhanh chóng khoanh vùng, phân tích để kiểm soát, giảm thất thoát nước một cách nhanh chóng.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua đơn vị đã ứng dụng CNTT vào dịch vụ khách hàng và tạo được hiệu quả cao trong quá trình ghi chỉ số, đa dạng thanh toán tiền nước online. Bên cạnh đó, CNTT đã giúp giám sát quá trình vận hành, theo dõi lưu lượng, áp lực nước một cách tốt nhất.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện của đơn vị qua việc ứng dụng CNTT trong quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước như: Thiết kế hệ thống giám sát và theo dõi hướng tới mạng lưới phân phối nước thông minh, ứng dụng CNTT trong quản lý khách hàng và quản lý mạng, ứng dụng ARCGIS trong quản lý cấp nước thông minh, hành trình số hóa, điều khiển máy bằng thiết bị GSM/SMS và Wifi, quản lý chất lượng nước hiệu quả bằng thiết bị giám sát, quản lý nước bằng đồng hồ nước thông minh…
Các chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực cấp nước, CNTT hỗ trợ tất cả các công đoạn của hoạt động cấp nước, bao gồm: lấy nước thô, xử lý tại các nhà máy nước, truyền dẫn và phân phối nước sạch đến nơi tiêu thụ cũng như trong quản lý nguồn lực, liên kết và cung cấp dịch vụ. CNTT giúp giảm chi phí và thời gian cho việc theo dõi, giám sát và kiểm kê các hoạt động, tăng cường hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước, như giảm thời gian phản ứng với sự cố, giảm thời gian đi lại và chi phí vận hành bảo dưỡng. Nhất là góp phần giảm thất thoát, thất thu nước sạch.
Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Thạch, trong xu thế công nghệ phát triển nhanh và công nghệ mới ra đời liên tục như hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào ngành cấp nước cũng còn gặp khó khăn, trở ngại. Với mạng lưới cấp nước rộng như hiện nay, để có thể vận hành tất cả bằng CNTT đòi hỏi chi phí rất cao. “Với Sawaco, chúng tôi đang hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nước, hướng đến nước uống tại vòi. Do đó, việc ứng dụng hệ thống CNTT tốt sẽ giúp chúng tôi có những báo cáo trực tiếp kịp thời đến nơi vận hành, sửa chữa, cũng như có thông báo nhanh chóng đến khách hàng khi có sự cố xảy ra”, ông Trần Kim Thạch chia sẻ.
Ký thỏa thuận hợp tác 6 bên Sawaco đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi kỹ thuật trong khuôn khổ chương trình hợp tác 6 bên giữa Sawaco, Cục Cấp nước Yokohama, Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty cổ phần Cấp nước TP Đà Nẵng, Trung tâm Đào tạo ngành nước miền Nam và Trung tâm Đào tạo ngành nước và môi trường. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2023, 6 bên thỏa thuận hợp tác trao đổi kỹ thuật bao gồm các lĩnh vực: giảm thất thoát nước; vận hành và bảo dưỡng dịch vụ cấp nước phù hợp kế hoạch an toàn cấp nước; cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; xử lý và phân phối nước (cấp nước an toàn, liên tục và bền vững); quản lý, phát triển nguồn nhân lực và tiếp nhận công nghệ mới; dịch vụ khách hàng; quản lý tài sản mạng và nhà máy nước; trung tâm điều khiển hệ thống phân phối và giảm thiểu tác động môi trường trong sản xuất nước sạch; ứng dụng công nghệ mới vào cấp nước. Ngoài ra, Sawaco cũng đã thỏa thuận với các bên liên quan tiến tới áp dụng hệ thống cấp nước thông minh và duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được cấp nước sạch vào năm 2025. |