Hiện thực hóa giấc mơ đổi đời của người dân đảo Hòn Chuối

Mùa mưa thiếu điện, mùa khô thiếu nước, song đảo Hòn Chuối vẫn có 1 tổ nhân dân tự quản với gần 70 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Đời sống rất nhiều khó khăn, nhưng cũng có những hộ dân đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa kiên cố và có doanh thu từ nuôi cá bè lên tới hàng trăm triệu đồng.

Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng
Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng

Mùa gió chướng

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây, diện tích đảo khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển là gần 170m.

tiep-tap-hoan-ho-o-hon-chuoi-da-co-ca-hoa-cho-ngay-tet-5128.jpeg
Một tiệm tạp hóa nhỏ trên đảo Hòn Chuối

Nhìn từ xa, đảo nom giống một chú cá voi xanh, khổng lồ nhưng đơn độc giữa trùng khơi. Tuy không quá xa đất liền, nhưng đảo có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều với hai mùa rõ rệt. Đặc biệt, để đối phó với những cơn gió dữ dội, người dân ở đây thường phải dựng 2 nhà.

Ở Hòn Chuối có 3 gành là gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng (gió mùa đông bắc). Trong khoảng thời gian còn lại, tranh thủ lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, trời yên biển lặng, bà con chuyển về gành Chướng sinh sống để tránh gió mùa tây nam. Thời điểm dọn “nhà” là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, trời yên bể lặng.

Không chỉ có gió dữ, cư dân Hòn Chuối còn phải đối diện với khó khăn gay gắt về nước ngọt, vì chỉ có thể trông chờ vào nguồn nước mưa và nước ngọt chuyển từ đất liền ra. Đảo cũng chưa có điện lưới, phải dùng hệ thống điện năng lượng mặt trời nên vào mùa mưa, nước dồi dào thì không có điện, còn mùa khô, có điện thì lại thiếu nước. Đó là chưa kể giông sét thường xuyên làm hỏng các thiết bị...

Khó khăn là thế, song Hòn Chuối vẫn có 1 tổ nhân dân tự quản với gần 70 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Đời sống rất nhiều khó khăn, nhưng cũng có những hộ dân đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa kiên cố và có doanh thu từ nuôi cá bè lên tới hàng trăm triệu đồng.

Còn nhiều việc phải làm

Anh Lê Văn Vũ, quê gốc Cà Mau, theo cha mẹ ra Hòn Chuối từ năm 11 tuổi và đã “bén rễ xanh cây” ở mảnh đất khắc nghiệt này tới 26 năm. Ba mẹ đã về lại đất liền, mở vựa kinh doanh hải sản, nhưng Vũ ở lại, lập gia đình và đã có 3 con, con trai lớn của anh đã học lớp 3. Chỉ tay ra biển, Vũ tự hào “khoe”, tài sản của anh đang nằm ở mấy bè cá bớp mà nếu trời thuận thì vụ này ước thu về chừng 2 tỷ đồng.

le-van-vu-1583.jpeg
Anh Lê Văn Vũ, quê gốc Cà Mau, theo cha mẹ ra Hòn Chuối từ năm 11 tuổi, đã ở đảo 26 năm

“Mỗi bè đóng mới phải đầu tư 150 triệu đồng, cả cá giống nữa khoảng 300 triệu đồng, có thể thu về cả tỷ đồng”, Vũ nói. Tuy thế, do dàn bè không được thế chấp để vay ngân hàng, nhà cửa trên đảo Hòn Chuối thì “không có giấy tờ, không có pháp lý gì hết trơn” nên Vũ không thể mở rộng việc kinh doanh.

“Bữa hôm hỏi vay, mà ngân hàng cho vay có trăm triệu đồng, 2 tháng sau tôi hoàn lại cả vốn, lãi. Rồi hỏi vay thêm, ngân hàng chỉ “nâng cấp” khoản vay lên… 101 triệu đồng nên tôi thôi”, Vũ kể.

Không chỉ anh Vũ, nhiều hộ kinh doanh trên các đảo hiện đang vướng thủ tục này. Họ chỉ có thể được vay trong điều kiện thế chấp tài sản từ đất liền. Nhưng Vũ ở đảo từ năm 11 tuổi, không có tài sản gì ở đất liền, đành chịu.

Tham gia đoàn công tác do Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức, nghe phản ánh về trường hợp của Vũ và nhiều hộ dân khác, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng thừa nhận hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng trong những trường hợp kể trên đang gặp khó khăn. Chủ lồng bè không được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, các địa phương chưa giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho người nuôi do chưa có quy hoạch. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa thể ứng dụng công nghệ cao cho mô hình nuôi cá lồng trên biển, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường, như nhiệt độ, ô-xy hòa tan, thức ăn, sự phát triển của cá... giúp tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Nếu như các địa phương sớm có quy hoạch đồng bộ, ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, bến neo đậu, kết nối giữa các cảng và có chính sách thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ hơn cho các đảo; phối hợp với các tỉnh thành trong đất liền để ổn định đầu ra cho bà con thì kinh tế biển Tây Nam hoàn toàn có thể khởi sắc nhờ phát triển nuôi trồng thủy hải sản gắn với du lịch sinh thái biển - đảo, đúng với tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin cùng chuyên mục