
Tiếp tục tuần lễ “Hành lang kinh tế Đông - Tây 2007” (Tuần lễ EWEC 2007), Diễn đàn Đầu tư - Thương mại - Du lịch EWEC 2007 được tổ chức trong ngày 28-8 tại Đà Nẵng với sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, đại diện ADP, JBIC, JICA, trưởng đoàn các nước EWEC, doanh nhân và các nhà đầu tư đến từ các nước EWEC và trên thế giới. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh tại diễn đàn: “Hành lang giao thông đã xong, bây giờ chúng ta cần biến nó thành hành lang kinh tế như đúng tên gọi của nó”.
Sẵn sàng cho sự chuyển biến mới

Các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư từ đại diện các tỉnh nằm trên tuyến EWEC đi qua.
Dự án EWEC là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các nước GMS lần thứ 8 tổ chức tại Manila tháng 8-1998.
Đến nay EWEC có tổng chiều dài 1.450 km, chạy qua 13 tỉnh của 4 nước thuộc GMS, nối liền các địa phương Mawlamyine, Myawaddy (Myanmar), Yasothon, Tak, Phitsanulok, Khon Khaen, Kalasin, Sukhothai và Mukdahan (Thái Lan); Savanakhet (Lào); Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng (Việt Nam). Đây là tuyến giao thông huyết mạch theo trục giao thông nối từ Đông sang Tây Đông Nam Á, là tuyến đất liền duy nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương đã khai thông trọn vẹn bằng việc khánh thành cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê Kông nối liền giữa Thái Lan và Lào.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng: Ở Việt Nam, con đường số 9 đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao; hệ thống sân bay nội địa và quốc tế đang được đầu tư nâng cấp gồm sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (TT - Huế) và Chu Lai (Quảng Nam). Hệ thống cảng biển cũng được phát triển nhanh chóng như Chân Mây (TT - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quốc, Sa Kỳ (Quảng Ngãi) và Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Hàng loạt các khu công nghiệp cũng đã hình thành như Phú Bài, Liên Chiểu, Hòa Khánh, cùng các khu kinh tế Lao Bảo, Vũng Áng, Chây Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất... là cơ sở cho phát triển kinh tế toàn vùng. Bên cạnh đó, tiềm năng về du lịch của miền Trung Việt Nam rất to lớn khi sở hữu nhiều di sản văn hóa thế giới, như: Cố đô Huế, Mỹ Sơn, Hội An...
Ông Somsavat Lengsavad - Phó Thủ tướng thường trực CHDCND Lào, nhấn mạnh: Trong thời gian qua, 4 nước nằm trên EWEC đã tiến hành thảo luận song phương cũng như đa phương về các vấn đề phát triển thương mại, giao thông, du lịch... Và đến nay, Lào và Việt Nam đã đạt được một số thỏa thuận về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng. Đối với Chính phủ Lào, ngoài việc tập trung xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường 9 nối các nước EWEC với nhau, còn phải hoàn chỉnh tuyến đường số 8, 18 chạy song song với đường số 9 và trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng tuyến đường số 15 và 16.
Những chuyển biến bước đầu
Nhiều đại biểu cho rằng lâu nay nói đến EWEC người ta chỉ biết đến việc phát triển giao thông và du lịch, còn những lĩnh vực khác chưa được đề cập đến cũng như chưa có những hành động cụ thể. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Cao Đức Sinh cho biết: Khu vực miền Trung Việt Nam (nằm trên EWEC) trong những năm gần đây đã có bước chuyển biến rõ rệt.
Năm 2006, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11% (cao hơn mức bình quân của cả nước). Tính đến tháng 6-2007, khu vực này đã thu hút được 252 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 3 tỷ USD, chiếm gần 3,5% về số dự án và 4,7% tổng vốn đầu tư của cả nước, thu hút trên 50.000 lao động... đó là sự mở đầu đáng khích lệ.
EWEC là cơ hội tốt cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến, tạo điều kiện cho các thành phố, thị trấn dọc hành lang; đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới. Hàng hóa của Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc sẽ dễ dàng xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á và xa hơn nữa là châu Âu và châu Mỹ.
Trong EWEC có 2 di sản thế giới là Cố đô Huế (Việt Nam) và Sukhochai (Thái Lan) và 2 di sản thế giới khác nằm gần EWEC là Mỹ Sơn và Hội An (Quảng Nam). Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2007 có khoảng 160.000 lượt khách đã đến Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước).
Đã có nhiều dự án cung cấp nguyên vật liệu thô từ Lào và Myanmar cho việc chế biến ở Thái Lan và dự án chế biến thủy sản ở Mawlamyine (Myanmar). Việc hình thành các cụm công nghiệp và các khu công nghiệp đặc biệt đã được đề xuất để phát triển đầu tư tư nhân ở hành lang. cụ thể là ở Myawaddy (Myanmar), Mae Sot và Mukdahan (Thái Lan), Savan-Seno và Dansavanh (Lào), Lao Bảo, Hòa Khánh, Liên Chiểu và Phú Bài (Việt Nam). Ngoài ra, những dự án hợp tác về phát triển kinh tế, giáo dục giữa 2 quốc gia, 2 địa phương nằm trên EWEC cũng đã được triển khai trong thời gian qua.
Ông Daisuke Matsunaga - Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đưa ra một thông tin khả quan: Hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhìn thấy được tiềm năng to lớn của EWEC và đã bắt đầu đầu tư vào đây. Hiệp hội các nhà đầu tư Nhật Bản đã tổ chức một chuyến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho trên 100 doanh nghiệp dọc theo tuyến EWEC. Hiện nay, đối tác đầu tư chính của Nhật Bản là các nước nằm trên tuyến EWEC. Và việc Hiệp định Nhật Bản - ASEAN vừa được ký vào tuần trước cũng sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi cho EWEC phát triển.
Hành động cụ thể
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng cho biết tại cuộc họp báo sau khi kết thúc diễn đàn: Diễn đàn đã tìm ra giải pháp để biến hành lang này thành hành lang kinh tế thật sự. Những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần gấp rút nâng cấp khoảng 200 km tuyến đường nằm trên lãnh thổ Myanmar để đến 2008 thật sự hoàn chỉnh, nối liền từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, các nước phối hợp cùng nhau xây dựng những dịch vụ như: trạm xăng, điểm ăn uống, nghỉ ngơi... dọc theo tuyến EWEC; phối hợp hài hòa về chính sách giữa các nước nhằm thu hút đầu tư... Trong đó, có việc cải thiện các thủ tục hải quan tại các cửa khẩu trên tuyến EWEC. Hiện việc giải quyết thủ tục tại các cửa khẩu mất từ 15 - 20 phút, làm sao để giảm xuống còn 5 - 10 phút.
Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - điểm cuối cùng của tuyến EWEC, đưa ra đề xuất: Chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan sớm giải quyết việc cho phép xe ô tô của hai nước được lưu thông qua lại nhằm gia tăng nguồn khách du lịch và hàng hóa trên tuyến hành lang. Đồng thời đề nghị ngành hải quan 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan thống nhất nội dung tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải; các biểu mẫu, danh mục... bằng 3 thứ tiếng Lào, Việt Nam, Thái Lan; thống nhất việc thu phí qua lại cửa khẩu...
NGUYỄN HÙNG



Thông tin liên quan |
Khai mạc Tuần lễ EWEC 2007 |