Tuần qua, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa (VTHH) TPHCM đã có văn bản gửi đồng loạt lên nhiều cơ quan chức năng từ thành phố đến Trung ương để kiến nghị các biện pháp mà hiệp hội cho rằng nhằm khắc phục những bất hợp lý và hạn chế đã và đang xảy ra tại Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây.
Hiệp hội VTHH đã kiến nghị bỏ hình thức xử phạt vi phạm tải trọng trục theo quy định hiện nay, thay vào đó chỉ xử phạt vi phạm khi xe vượt quá tổng trọng lượng được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe. Lý do là vì hiện nay các doanh nghiệp vận tải căn cứ vào giấy đăng ký xe để xếp hàng lên xe, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã tự trang bị và tổ chức cân riêng trước khi đưa xe vào vận chuyển. Vì thế, theo Hiệp hội VTHH, lỗi vi phạm tải trọng trục là do khách quan, không thuộc lỗi của các nhà vận tải. Chưa kể là trong thực tế có rất nhiều loại hàng hóa đặc thù không thể tháo rời hay xếp hàng phân bổ cân đối đúng theo tải trọng từng trục xe được.
Hiện nay để phân bổ tải trọng cho từng trục xe chỉ căn cứ vào chiều dài khoảng cách giữa các tâm trục. Hiệp hội VTHH cho rằng điều này là chưa chính xác. Bởi vì theo đó các loại xe có tải trọng 5-7 tấn với chiều rộng trục thường từ 220-235cm cũng được phép chở tương ứng với xe 8 tấn trở lên với chiều rộng trục thường là 249cm. Theo hiệp hội, cần phải kết hợp căn cứ vào cả chiều dài, độ rộng của trục xe để tính tải trọng cho phù hợp với từng loại xe.
Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng cho lắp đặt ngay các biển báo hạn chế tốc độ - có thể chỉ 40 km/giờ và khoảng cách tối thiểu giữa các xe - có thể tối thiểu 20m. Những biển báo này nên đặt từ khoảng cách 500m trước khi đi vào cân động. Theo lý giải của Chủ tịch Hiệp hội VTHH TPHCM Bùi Văn Quản, biện pháp này sẽ giúp khắc phục được tình trạng các tài xế tận dụng hạn chế của các thiết bị phần mềm máy tính và camera quan sát vốn chỉ ghi nhận được từng xe chạy qua trạm với khoảng cách nhất định, còn trong trường hợp các bác tài cố tình chạy xe sát nhau thành đoàn dài, thì tính năng của camera quan sát dễ dàng bị… vô hiệu hóa.
Một bức xúc khác đó là có những ê-kíp trực cùng “cố tình” nhắm mắt làm ngơ cho đoàn xe chở hàng quá tải nào đó được qua trạm an toàn, Hiệp hội VTHH kiến nghị cấp thẩm quyền cần có biện pháp giám sát phù hợp, hiệu quả hơn để “khắc chế” tình trạng nại ra các lý do máy tính trục trặc, thiết bị cân hư hỏng, mất điện… để “tiêu cực”.
Hiệp hội VTHH TPHCM cho rằng đây là những việc cần làm ngay trong thời gian chờ đợi Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về xe chở quá tải trọng.
Duy Khánh