Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ việc tìm ra con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, trải qua nhiều năm đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thông qua Cương lĩnh về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã xác định, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Vấn đề này bàn luận đã nhiều nhưng cho đến nay vẫn còn không ít người đã ca ngợi chưa thật đúng, đặc biệt có người còn có ý kiến trái chiều.

Từ việc tìm ra con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, trải qua nhiều năm đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thông qua Cương lĩnh về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã xác định, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Vấn đề này bàn luận đã nhiều nhưng cho đến nay vẫn còn không ít người đã ca ngợi chưa thật đúng, đặc biệt có người còn có ý kiến trái chiều.

1. Có người cho rằng, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc giải quyết đúng đắn các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, những bài Bác viết, đọc rất dễ hiểu, như vậy thì nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, chỉ nên lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần phải nêu thêm chủ nghĩa Mác - Lênin. Ý kiến này rõ ràng là không đúng. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh sâu rộng có ý nghĩa cách mạng và khoa học, Bác Hồ đã nghiên cứu vận dụng, Đảng ta cũng phải tiếp tục nghiên cứu vận dụng, vì công cuộc cách mạng luôn đặt ra những vấn đề mới.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh muốn hiểu sâu sắc cũng phải tìm hiểu từ gốc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin... Chính Bác Hồ chúng ta đã nêu rõ: “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Có người ca ngợi Bác Hồ, cho rằng Bác là người cộng sản nhưng luôn vì lợi ích dân tộc, không theo lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác, nên đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, đã giành được thắng lợi to lớn cho cách mạng. Đúng là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công của cuộc kháng chiến 30 năm chống Pháp, chống Mỹ cũng đều do Bác Hồ cùng với Đảng đã chủ trương phát huy lòng yêu nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

Bác Hồ cũng nhiều lần đã nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công. Nhưng từ đó mà nghĩ rằng Bác Hồ chỉ đứng trên lập trường dân tộc, không theo lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác là không đúng. Vấn đề cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập khi được gắn với vấn đề quyền làm chủ sẽ nhận rõ được tính giai cấp.

Bác Hồ cùng với Đảng luôn giương cao ngọn cờ yêu nước, đại đoàn kết toàn dân, trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc nhưng giành độc lập là để dân làm chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân và nông dân, nên mặt trận vừa rộng rãi vừa vững chắc. Phất cao cờ giải phóng dân tộc, nhưng luôn nắm vững cán cờ là giành độc lập để đi lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

2. Công cuộc đổi mới đất nước hơn 20 năm nay đã giành được những thành tựu rất to lớn. Tuy nhiên, nhìn vào việc xây dựng Đảng, việc quản lý của Nhà nước, nhìn vào các mặt của đời sống xã hội, sự nhận xét đánh giá tình hình còn có khác nhau. Ai nhìn đúng, thấy được mặt tích cực là cơ bản, đánh giá những việc đã làm được có ý nghĩa to lớn thì phấn khởi tin tưởng vào con đường cách mạng Bác Hồ đã chọn, vào đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng.

Ai chỉ nhìn vào mặt yếu kém, mặt tiêu cực hoặc bị tác động bởi những thông tin xuyên tạc mặt tốt, khoét sâu mặt xấu, vào lúc trong thực tế còn có những vấn đề mới nảy sinh mà Đảng và Nhà nước tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, thì hoang mang. Có người cho rằng, đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thấy tù mù như lao vào bụi rậm, cho rằng chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là duy ý chí, chủ nghĩa xã hội đẹp nhưng không thực. Nếu gọi là chủ nghĩa xã hội thì chỉ là loại chủ nghĩa xã hội không tưởng, không phải là chủ nghĩa xã hội khoa học.

Để biết được ý kiến đó đúng hay sai, phải tìm hiểu chủ nghĩa xã hội không tưởng là như thế nào, chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác - Ăngghen khác với chủ nghĩa xã hội không tưởng ra sao.

Chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác - Ăngghen khác hẳn với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học được Mác - Ăngghen nhiều năm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về sự ra đời của giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người, nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản với sự bóc lột giai cấp công nhân về giá trị thặng dư, nghiên cứu về nền sản xuất công nghiệp hiện đại tư bản chủ nghĩa trong đó máy móc là công cụ sản xuất tập thể được giai cấp vô sản công nghiệp, một lực lượng lao động tập thể sử dụng và nền công nghiệp hiện đại càng phát triển thì giai cấp vô sản công nghiệp ngày càng đông, nghiên cứu về cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản...

Từ đó đi đến kết luận rằng, theo quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử, chính giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại là giai cấp có sứ mệnh lịch sử “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa.

Con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa xã hội khoa học đã được Bác Hồ vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu bị thực dân Pháp và tay sai là triều đình phong kiến nhà Nguyễn thống trị. Đó là con đường giành độc lập để dân làm chủ, nhằm chăm lo cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân. Theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường cách mạng mà Người đã chọn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và xây dựng đất nước.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục