
Kinh tế-xã hội TPHCM năm 2005 có nhiều điểm sáng. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đã bước đầu gắn liền với hiệu quả, môi trường thu hút đầu tư và kinh doanh được cải thiện và trên hết là đã góp phần tích cực khuyến khích tinh thần, làm giàu của người dân.
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt kế hoạch
Tăng trưởng GDP của TPHCM trong năm nay hoàn toàn có thể đạt 12,5% như kế hoạch đề ra. Điều này rất quan trọng để kéo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm (2001-2005) đạt bình quân 11%/năm. Đây là kết quả tăng trưởng khá tốt và đồng đều của một số lĩnh vực như dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng, thu hút đầu tư, công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa…

Hệ thống nhuộm chỉ, sợi xuất khẩu ở Công ty Liên doanh Coats Phong Phú. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Mặc dù tình hình những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn xuất hiện khiến cho nhiều người lo ngại, nhưng tăng trưởng trong khu vực dịch vụ tới vẫn đạt 13,5% đã kéo tăng trưởng GDP chung của năm lên theo.
Tuy chỉ số tăng trưởng công nghiệp của TPHCM thấp hơn cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng cao, chứng tỏ nhiều sản phẩm làm ra không bị tồn kho và giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp cũng đã được cải thiện rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đã đạt trên 11 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu. Vinamilk có hợp đồng trị giá trên 100 triệu USD, tăng 3,5 lần so với năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 65,7%; dầu thô tăng 29,4%,...
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu như May Việt Tiến, Phương Đông, Nhà Bè, Sài Gòn 3, Sài Gòn 2, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Dầu Tân Bình và một số doanh nghiệp ngành thủy sản nỗ lực tăng tỷ lệ xuất khẩu theo phương thức mua đứt bán đoạn để tăng giá trị trong mỗi sản phẩm.
Trong lĩnh vực du lịch, cho đến nay, TP đã đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm và chiếm tới 2/3 lượng khách du lịch quốc tế của cả nước.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là TPHCM đã có những bước chuẩn bị khá tốt để đón làn sóng đầu tư nước ngoài đang trở lại, tạo thêm nguồn lực mới để phát triển. Tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá cao so với cùng kỳ. Đến nay đã có khoảng 260 dự án mới được cấp phép, với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD. Và đáng chú ý hơn, nhờ làm ăn hiệu quả, đã có hàng loạt dự án tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, với tổng vốn trên 400 triệu USD.
Giải quyết nhanh vướng mắc, xúc tiến chuyên nghiệp
Kết quả trên có thể ghi nhận là nhờ những nỗ lực rất lớn của lãnh đạo TP và các sở ban ngành chức năng. Trước hết là đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa các sở ngành để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của UBND TPHCM.
Thành phố đã liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp, xuất khẩu, công nghệ thông tin, nông- lâm- nghiệp… Chính qua các cuộc làm việc này, nhiều vấn đề được nhanh chóng giải quyết, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
TP thực hiện công tác cải cách hành chính bộ phận hải quan ngay tại cửa khẩu để cải thiện môi trường đầu tư và đón du khách; triển khai công tác thông quan điện tử để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thành lập Tổ công tác 23 để giải quyết nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp; hình thành các đường dây nóng với các ngành chức năng để doanh nghiệp trực tiếp phản ánh các vấn đề phát sinh; lập kênh đối thoại chính quyền với doanh nghiệp trên City web; lập cổng giao dịch điện tử của TP để hỗ trợ các hoạt động thương mại điện tử…
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TP (ITPC) vừa tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong Nam ngoài Bắc, đến các nước trong khu vực và thế giới; vừa thực hiện các chương trình Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, tổ chức xây dựng 20 thương hiệu mạnh của TP…
Lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành chức năng thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư, các nhà nhập khẩu của các nước để quảng bá giới thiệu sản phẩm của TP; mang các dự án đầu tư cần thu hút vốn đến chào hàng các nhà đầu tư nước ngoài.
Từng bước, công tác xúc tiến thương mại- đầu tư được tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn, với các cuộc xúc tiến có chủ đề, có sự liên kết từ trong nước lẫn công tác chuẩn bị ở nước ngoài, mở các hội chợ chuyên ngành và chủ động mời các nhà đầu tư từ nước ngoài đến TP để tìm hiểu từng dự án đầu tư.
Và cần thêm những nỗ lực mới
Mặc dù các hoạt động kinh tế của TP đã có những bước phát triển tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. TP vẫn là nơi có các chi phí cao nhất so với các địa phương; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (nhất là công tác quy hoạch chưa hoàn thiện), công tác đền bù giải toả còn chậm và nhiều vướng mắc dẫn đến khiếu kiện kéo dài; chưa hoàn tất ứng dụng CNTT trong việc xây dựng chính phủ điện tử và các điều kiện hạ tầng để xây dựng thương mại điện tử…
TP cũng chưa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ xứng tầm với ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực nên sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu còn thấp… Đáng lo hơn nữa là không ít cán bộ trong bộ máy chính quyền chưa theo kịp công tác cải cách hành chính, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp…
HOA LÊ