Hiểu rõ về gói cước khi dùng 3G, 4G

Không thể phủ nhận, khi mạng băng thông 3G và tiếp theo là 4G ra đời, đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dùng smatrphone. Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến hết tháng 6-2019, Việt Nam có tổng số 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó trên 51 triệu thuê bao di động băng rộng 3G và 4G.

Với băng thông rộng di động, trên thị trường đang có đến hàng trăm gói cước dữ liệu (data) từ các nhà mạng, với mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng cho 30 ngày sử dụng.

Về gói cước data trên di động, có thể kể đến MIMAX70 của Viettel với 3GB dữ liệu/tháng, giá 70.000 đồng; gói MAX của VinaPhone 70.000 đồng cho 3,8GB/30 ngày sử dụng hay gói HD70 của MobiFone là 70.000 đồng cho 3,8GB/30 ngày sử dụng…

Song song đó là các gói cước được nhà mạng kết hợp với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khác để thu hút người dùng. Các gói cước trên 30GB tốc độ cao, với thời hạn sử dụng 30 ngày, có giá trên dưới 300.000 đồng. Một dạng phổ biến nữa là SIM dữ liệu, giá từ 90.000 đồng/30 ngày sử dụng với 2GB dữ liệu mỗi ngày.

Nhưng người dùng smartphone với những nhu cầu cơ bản nhất là truy cập mạng, nhận email, vào ứng dụng mạng xã hội, nhắn tin OTT… với thực trạng chưa hết tháng đã hết data vẫn xảy ra, nhất là các gói data có giá dưới 100.000 đồng trong 30 ngày.

Ở đây, khi data chính hết dung lượng thì chất lượng kết nối cũng chậm. Tức giá trị “không giới hạn dung lượng” mà các nhà mạng đưa ra trong gói cước cũng chỉ có tính tượng trưng, vì khi hết dữ liệu chính của gói, người dùng tuy vẫn kết nối được nhưng chờ từ sáng đến trưa chưa chắc đã tải được nội dung cần xem… Vậy thì rẻ nhưng chưa chắc đã rẻ!

Với người dùng 3G hay 4G, điều khó khăn trước đây là không biết lượng data của mình đã tiêu tốn vào nội dung nào nên trong thực tế, đã có nhiều vụ kiện cáo liên quan đến cước data. Chưa hết, còn có vụ lùm xùm do phát sinh cước data khi đi nước ngoài quên tắt dữ liệu hay do người dùng không nhận, không thấy tin nhắn hết data để gia hạn gói cước… và đến khi nhận giấy báo cước mới biết thuê bao phát sinh cước cả vài chục lần.

Để tránh phát sinh, người dùng các gói cước data trên smartphone nên nghiên cứu kỹ nhu cầu sử dụng mà chọn gói cước thích hợp. Cũng cần biết, hiện nhà mạng đều có các ứng dụng mà qua đó có thể theo dõi cước thuê bao của mình, giúp việc giám sát data tốt hơn, như Viettel có ứng dụng My Viettel, MobiFone với MobiNext, VinaPhone là My VMPT…

Theo nghiên cứu của Appota, đơn vị chuyên cung cấp thông tin thị trường mobile, những người sở hữu smartphone sử dụng các gói data trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều tác vụ, dịch vụ khác nhau, nên điện thoại không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là công cụ làm việc chính thức. Vì vậy, cần hiểu rõ về gói data đã đăng ký để tránh những phát sinh ngoài ý muốn khi sử dụng.

Tin cùng chuyên mục