
Nhiều nhạc sĩ cho rằng 2004 là năm hạn của các nhạc sĩ bị phát hiện đạo nhạc. Cho đến tận những ngày cuối năm, danh sách các tác giả này ngày càng có nguy cơ dài thêm. Điều này để lại một thời kỳ hậu đạo nhạc nhá nhem, mà kết quả là Ban Thư ký Hội Âm nhạc TPHCM phải họp lên, họp xuống để tìm giải pháp cho những vụ kiện tụng. Nhưng không phải là không có những tín hiệu lạc quan trong lúc giao thời này.
Năm hạn

Thanh Lam với "Ru mãi ngàn năm" là chương trình có dấu ấn riêng. Ảnh: An Dung
Các nhà chuyên môn cho rằng trong năm 2004, tình trạng không kiểm soát nổi các ca khúc ồ ạt được sản xuất, tái chế và... phóng tác từ những lò bát quái nhạc trẻ, đã góp phần làm "lùng bùng" tai nghe của khán giả. Nhưng, các nhà quản lý đành bó tay.
Có những tác giả trong một năm sản xuất vài trăm ca khúc. Tốc độ nhập hàng ngoại về chế tác chỉ bị phanh lại phần nào, khi dần dần các vụ đạo nhạc bị phát hiện. Có thể nói, "đại hạn" đầu và cuối năm rơi vào anh em nhạc sĩ Bảo Chấn và Bảo Phúc.
Theo sau đó là một loạt nhạc sĩ trẻ mà ca khúc của họ được rải nhiều vô kể trên sóng phát thanh, truyền hình, trong các chương trình ca nhạc. Họ chẳng qua mắc phải chứng vô thức tập thể không kiểm soát nổi mình, lây nhiễm ý tưởng của người khác, khiến trên thị trường cũng xuất hiện hàng loạt ca khúc có chủ, mà cũng gần như vô chủ.
Nhưng chuyện hậu đạo nhạc thì còn dài vì theo nhạc sĩ Tôn Thất Lập, hiện nay, Hội Âm nhạc (AN) còn đang phải xử lý một loạt ca khúc đang bị tình nghi và chưa biết khi nào kết thúc công việc khó nhọc, dây dưa này. Nói gì thì nói, nhạc sĩ Phan Nhân nhìn nhận, không ai giết chết tên tuổi của một người sáng tác nhanh hơn là chính bản thân người đó.
Vấn đề mà các nhạc sĩ đàn anh đặt ra ở đây là, một khi hội AN đã công bố kết luận của mình, các nhà quản lý cũng nên tỏ thái độ phản ứng đối với những kẻ đạo nhạc và có biện pháp kịp thời, để hạn chế sự xuất hiện liên tục hàng nhái của họ. Nếu không, tình hình cũng sẽ không có gì khả quan hơn trong năm 2005.
Trong khi mê mải truy tìm các đạo chích, đôi khi, người ta bỏ quên nguyên nhân của mọi câu chuyện, là sự bùng nổ của các khuynh hướng âm nhạc. Đủ thứ mốt thời thượng ngoại nhập làm chất liệu cho việc tái chế ca khúc. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho rằng đây là thời kỳ bùng nhùng nhất, khó phân biệt đâu là thật giả, đâu là vay mượn. Điều đáng buồn hơn là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhạc của các nhạc sĩ lớn tuổi bị từ chối, còn loại nhạc thời trang kia được phát liên tục, ấn vào tai nghe của công chúng trẻ những cái tên chưa từng là nhạc sĩ bao giờ.
Một yếu tố nữa làm vẩn đục môi trường ca nhạc là sự tự phát tổ chức biểu diễn ở nhà hàng, vũ trường mà nếu không bán vé thì đơn vị đó không cần xin phép. Các phòng trà cũng giúp cho ca sĩ mau chóng trở nên đơn điệu và vét nốt chút thiện cảm của khán giả đối với họ.
Hy vọng năm mới
Nhưng không phải không có một tia hy vọng trong thời buổi nhá nhem của thị trường ca nhạc. Nỗi hứng khích trước các live show - mà phần lớn là đại nhàm chán - của các ca sĩ có tên tuổi và chưa tên tuổi nguội dần đi, thay vào đó là cảm giác của khán giả khi biết rằng các sô diễn đó không mang một giá trị thật nào ngoài hai mục đích: Tăng cátsê khi ca sĩ đang lên và vét sô khi ca sĩ không còn sức hút.
Ngoài live show của Mỹ Tâm có tính chất khẳng định một giọng hát đã chín và live show của nhóm Bức Tường mang tính chất nhen nhóm những cái mới cho làng nhạc, các chương trình "Sao Mai điểm hẹn", "Giai điệu bạn bè" của VTV cũng dần giới thiệu những giọng ca thật, dù đang ở giai đoạn ca sĩ cần tập luyện để ra ràng, được cho là những chương trình thành công về mặt tổ chức.
Càng về cuối năm, xuất hiện một số chương trình có dấu ấn riêng, dù còn nhiều lời bàn ra bàn vào, như "Ru mãi ngàn năm" của Thanh Lam, các đêm nhạc jazz ấm nóng của Trần Mạnh Tuấn, Tùng Dương... Vài nhạc sĩ phía bắc đã gây sự chú ý đáng kể của làng nhạc Sài Gòn là Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo và Ngọc Đại với "Nhật thực 2".
Thay vì theo lối mòn mua độc quyền ca khúc hàng chợ nhét vào cho đủ bài, đã xuất hiện lối làm album ý tưởng theo kiểu đặt hàng nhạc sĩ viết riêng theo phong cách của ca sĩ. Mở đầu cách làm này là Hồng Nhung trong "Khu vườn yên tĩnh" đã tạo được một độ rung nhất định. Các ca sĩ đàn chị vẫn đang mở lối đi khỏi sáo mòn, trong khi đàn em gắng tăng tốc níu kéo tên tuổi trong dòng nhạc thời trang đang trôi tuột vào quên lãng, vì người nghe bắt đầu có ý thức lấy lại những gì đã mất cho tai nghe của mình.
Bên cạnh các giải thưởng ca nhạc đang mất dần uy tín vì nhạt nhẽo và nhếch nhác, thì sự xuất hiện của giải "Cống hiến" đầu năm 2005 tới, với những bình chọn khá chất lượng của Báo Thể thao và Văn hóa, có thể nhen dậy niềm tin và lòng nhiệt tình của những người theo đuổi nghiệp âm nhạc bấy lâu nay.
A.T (Theo Lao Động)