“Hô biến” rừng thành rẫy

Hàng ngàn hécta rừng tại huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã bị người dân lấn chiếm để làm rẫy và thực hiện việc mua bán.
Rừng phòng hộ Gia Nghĩa tại Tiểu khu 1697 bị người dân lấn chiếm làm rẫy
Rừng phòng hộ Gia Nghĩa tại Tiểu khu 1697 bị người dân lấn chiếm làm rẫy

Ngang nhiên chiếm, bán đất rừng

Từ trung tâm xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long xuôi theo quốc lộ 28, rẽ vào con đường đất khoảng 1km là đến cửa rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Nói là rừng nhưng thực chất khu vực này đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh. Men theo con đường đất uốn qua các triền đồi vào sâu bên trong, dọc theo hai bên đường mà chúng tôi đi qua là những rẫy cà phê, điều, cây ngắn ngày...  Rừng còn sót lại ở khu vực này chủ yếu là tre, lồ ô và một số cây bụi mọc ven bờ suối hay khu vực đỉnh đồi, địa hình hiểm trở, khó canh tác.

Đứng trên đỉnh đồi tại khu vực Tiểu khu 1697 nhìn xuống khu vực suối Đắk Canh là hàng chục nóc nhà của người dân mọc san sát nhau, xung quanh là những vườn cà phê, điều, cây ngắn ngày bạt ngàn. Ông K’Huynh (đang canh tác tại Tiểu khu 1697) cho biết, nhà ở xã Đắk Ha, nhưng do không có đất sản xuất nên gia đình đã vào khu vực suối Đắk Canh thuộc rừng phòng hộ để lấy đất rừng trồng cà phê từ nhiều năm nay. Đây cũng là lý do mà hàng chục hộ dân ở khu vực khác đến đây để “hợp thức hóa” việc chiếm rừng. Đứng ở khu vực suối Đắk Canh phóng tầm mắt xa hơn, hướng về khu vực giáp ranh, là những cây rừng nằm ngổn ngang vì bị người dân đốn hạ để lấy đất.

Rời Tiểu khu 1697, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Tiểu khu 1704 và cũng chứng kiến cảnh tương tự. Dọc theo con đường khoảng hơn 5km, chỉ toàn cây trồng của người dân, những ngọn đồi bị đốt cháy nham nhở chờ gieo trồng cho mùa vụ mới. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới phát hiện được một khoảnh rừng nhỏ nhưng đã bị bao vây bởi đất sản xuất của người dân, có nguy cơ bị “bức tử” dần.

Trong vai một người cần mua đất canh tác, chúng tôi đặt vấn đề với ông K’T (đang canh tác tại Tiểu khu 1704). Chỉ tay về ngọn đồi đã bị đốt, cháy nham nhở, ông T. cho biết, ông đã khai hoang hơn 4ha, chuẩn bị trồng bắp và cây ngắn ngày và sẵn sàng bán với giá 120 triệu đồng. Ông N.T. (Tiểu khu 1704) cũng đưa ra giá 60 triệu đồng cho 2ha đất màu của gia đình.

Khó quản lý?

Ông Đặng Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha, cho biết, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân đã lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 1716, 1697 của rừng phòng hộ Gia Nghĩa để canh tác. Tuy nhiên công tác xử lý, phương án di dời người dân ra ngoài là một bài toán nan giải của ngành chức năng. “Địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tham gia phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Chúng tôi cũng vận động người dân tham gia nhận giao khoán trồng rừng để phát triển rừng trên diện tích đã xâm canh nhằm vừa phát triển được rừng phòng hộ, vừa có điều kiện sinh kế cho bà con”, ông Hướng cho biết thêm.

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, cho biết, từ năm 2017, đơn vị được tỉnh Đắk Nông giao quản lý bảo vệ hơn 11.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trải rộng trên địa bàn xã Quảng Thành (TP Gia Nghĩa) và các xã Đắk Ha, Đắk R’măng (huyện Đắk G’long). Với tổng diện tích trên nhưng diện tích đất có rừng chỉ còn lại khoảng gần 3.000ha. Diện tích đất không có rừng đa số đã bị người dân xâm chiếm làm đất sản xuất từ nhiều năm trước. Hiện nay, có hàng trăm hộ dân di cư tự do đã sinh sống trong lõi rừng phòng hộ Gia Nghĩa, ngành chức năng vẫn chưa có phương án xử lý, di dời nên việc quản lý rừng còn lại gặp nhiều khó khăn. “Số lượng rừng còn lại nằm lởm chởm theo kiểu da báo. Còn người dân khai hoang rồi mua bán chủ yếu bằng miệng nên đơn vị không phát hiện được và rất khó xử lý”, ông Vũ Văn Trọng giãi bày.

Ngoài việc đất rừng được mua bán tràn lan, nhiều hộ dân ở khu vực này nhận giao khoán với đơn vị chủ rừng để trồng rừng nhưng thực chất lại trồng cây trồng khác. Như trường hợp của ông N.V.S., khi tiếp xúc với chúng tôi cho biết, đã nhận giao khoán trồng rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa 5ha rừng từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, khi đi khảo sát khu vực xung quanh, chúng tôi phát hiện diện tích này đã trở thành những vườn bơ 2-3 năm tuổi. Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa Vũ Văn Trọng thừa nhận, có việc người dân nhận giao khoán trồng rừng nhưng không đạt chỉ tiêu như đăng ký. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu hộ cá nhân nhận giao khoán trồng rừng thực hiện đúng cam kết như đăng ký”, ông Vũ Văn Trọng cho biết.

Tin cùng chuyên mục