Theo báo cáo của đại diện Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 27-7 đến 29-7, có tới 16 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Mộc Châu – Sơn La. Trong đó, trận lớn nhất xảy ra vào trưa 27-7 với độ lớn là 5,3 độ richter, gây dư chấn tới nhiều địa phương khác trong khu vực, có cả thủ đô Hà Nội. Trận động đất này đã gây thiệt hại nặng cho nhà cửa của người dân và các công trình công cộng trong khu vực.
Trước đó, các trận động đất cũng liên tục xảy ra tại huyện Mường Tè – Lai Châu. Tổng cục Thiên tai báo cáo, kể từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 7-2020 (trước khi có 16 trận động đất tại huyện Mộc Châu), đã có 12 trận động đất xuất hiện. Nguyên nhân của những trận động đất này là do khu vực Tây Bắc tồn tại các rãnh đứt gãy địa chất, dự báo trong tương lai có thể xuất hiện những trận động đất mạnh tới cấp 8-9.
Những khu vực như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… hiện nay đang tập trung nhiều công trình hồ chứa thủy điện lớn và nhỏ. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa trong khu vực có cấu tạo địa chất không ổn định là rất quan trọng.
Tại cuộc họp ngày 29-7, Tổng cục Phòng chống thiên tai báo cáo, đến nay, các hồ chứa thủy điện và thủy lợi trong khu vực vẫn đảm bảo an toàn, chưa ghi nhận có sự cố.
Đại diện của Bộ Công thương báo cáo, mặc dù động đất xảy ra nhưng các công trình công nghiệp, hầm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Điện Biên không có thiệt hại nghiêm trọng, các hồ chứa thủy điện vẫn vận hành, hoạt động bình thường.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngay sau khi động đất liên tục xảy ra, tại các công ty thủy điện trực thuộc tập đoàn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát… lập tức kiểm tra hồ đập. Qua kiểm tra và đánh giá số liệu quan trắc, các công trình thủy điện vẫn vận hành an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục phân tích các số liệu quan trắc về động đất, EVN dự kiến sẽ thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành để có các đánh giá và báo cáo cụ thể hơn.
Trước tình hình động đất xuất hiện liên tục, có thể gia tăng tần suất, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả động đất; kiểm tra rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Ông Trần Quang Hoài cũng cho biết, các hồ thủy điện lớn đã xây dựng trong thời gian qua như Hòa Bình và Sơn La có thể chịu được động đất cao hơn, thậm chí cao nhất trong lịch sử đã từng xảy ra.
Tuy nhiên thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến khắc nghiệt. Ông Trần Quang Hoài cảnh báo, đầu tháng 8 sẽ có mưa lớn trên diện rộng ở nhiều nơi tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ. Vì vậy, các địa phương phải chủ động ứng phó không chỉ với nguy cơ động đất bất thường mà còn ứng phó với mưa lũ nữa.