Hỗ trợ cho con đi cùng thành viên Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

Nhìn chung cuộc sống của cán bộ, nhân viên các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hiện nay còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương.
Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh minh họa: chinhphu.vn
Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Tại phiên thảo luận sáng nay, 3-11, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đa số ĐB nhất trí việc hỗ trợ học phí, chi phí mua bảo hiểm y tế đối với con chưa thành niên đi cùng thành viên CQĐD.

Theo Ủy ban Đối ngoại, Luật CQĐD năm 2009 đã góp phần quan trọng cải thiện chế độ, chính sách đối với thành viên CQĐD và vợ hoặc chồng được cử đi cùng. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống của cán bộ, nhân viên các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài hiện nay còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương. Luật CQĐD chưa có chế độ bảo đảm chính sách về “hiếu” đối với thành viên CQĐD và chưa có chính sách hỗ trợ cho con chưa thành niên đi cùng.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến ĐB nhất trí việc bổ sung quy định ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí đi lại cho thành viên CQĐD, vợ hoặc chồng được cử đi cùng trong trường hợp cha đẻ (mẹ đẻ), cha (mẹ) của vợ hoặc chồng, vợ (chồng), con qua đời trong nhiệm kỳ công tác. 

Về việc bổ sung quy định hỗ trợ học phí và chi phí mua bảo hiểm y tế đối với con chưa thành niên đi cùng thành viên CQĐD, Ủy ban Đối ngoại cho rằng việc bổ sung quy định hỗ trợ toàn bộ học phí tại nước sở tại và toàn bộ chi phí mua bảo hiểm y tế cho con chưa thành niên đi theo thành viên CQĐD làm phát sinh một khoản ngân sách lớn (dự tính trên 5 triệu USD/năm), chưa phù hợp với tình hình ngân sách, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Do đó, Ủy ban Đối ngoại đề nghị chỉ quy định hỗ trợ một phần học phí tại nước sở tại và một phần chi phí mua bảo hiểm y tế cho con chưa thành niên đi theo thành viên CQĐD và giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với từng thời kỳ.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) phát biểu, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi, học tiểu học được đảm bảo, học sinh tiêu học không phải đóng học phí. Theo thống kê, số lượng trẻ em đi theo cha, mẹ làm ở CQĐD không nhiều do đó, nếu hỗ trợ 100% học phí (nếu phải đóng ở nước sở tại) thì không gây tác động lớn. Các ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đều đồng tình với với việc hỗ trợ chi phí cho con chưa thành niên trong đảm bảo học phí, chi phí bảo hiểm. 

Tuy nhiên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dự thảo là Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, vì vậy, việc đưa quy định về hỗ trợ cho thân nhân trong luật là chưa phù hợp vì các đối tượng đó không phải là cán bộ ngoại giao, do đó, nên đưa vào nghị định thì phù hợp hơn. 

Trái ngược quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) tán thành việc đưa quy định hỗ trợ vào luật bởi nếu không quy định nghị định sẽ không có cơ sở để quy định chi tiết, Chính phủ không có cơ sở thực hiện. Cũng theo ĐB này, hiện nay, trẻ em mầm non trong nước được miễn nhiều khoản và nếu chỉ hỗ trợ một phần cho người nhà của thành viên cơ quan CQĐD thì cũng sẽ vẫn là khó khăn do điều kiện sinh hoạt ở nước đó khác nước ta. Vì vậy, dự luật cũng cần thiết đưa ra một số chính sách cụ thể để thành viên CQĐD quan tâm hơn.

Chia sẻ quan điểm, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), nhận xét, phụ cấp người đi công tác tại CQĐD so với thu thập bình quân trong nước có thể cao nhưng để “tiêu ở nước sở tại chưa chắc đã bằng trợ cấp thất nghiệp” ở nước đó. Từ đó, ĐB Kiên kiến nghị cần có nhận thức là đưa “anh em đi làm thì cần tạo vị thế tương đối phù hợp nước sở tại, chứ nếu như với phụ cấp này đưa vợ, con sang thì phải tiết kiệm, phải đun nấu trong nhà thì thấy có rất nhiều vấn đề”.

Tin cùng chuyên mục