Hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng chất lượng sản phẩm

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 do Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đã gặt hái những hiệu quả nhất định. 
Sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu mạnh vào thị trường Hoa Kỳ
Sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu mạnh vào thị trường Hoa Kỳ

Theo đó, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của dự án đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, tham gia dự án, doanh nghiệp được hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Có 95% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì cải tiến sau khi kết thúc dự án, trong đó 23,4% mô hình được mở rộng và tiếp tục duy trì. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, từng bước gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì thị phần ổn định mà về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới phát triển đủ để tạo khả năng dẫn dắt, xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt. 
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chỉ mới tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu là ngành cơ khí chế tạo. Chưa có đầu tư hỗ trợ đúng mức cho những ngành khác như dệt may, da giày, chế biến lương thực thực phẩm…

Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tính đến việc mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, nhất là những lĩnh vực thuộc nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục