Trước thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt hơn 239 tỷ đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ triển khai dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Th.s Huỳnh Cát Dung, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các trường ĐH, CĐ khó hoàn thành mục tiêu nói trên nếu không có chiến lược rõ ràng, chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư đúng mực. Th.s Huỳnh Cát Dung dẫn chứng, Đài Loan hiện là vùng lãnh thổ dẫn đầu châu Á và đứng thứ 8 thế giới về chỉ số khởi nghiệp toàn cầu đo lường chất lượng và quy mô các chương trình khởi nghiệp. Để có được thành công đó, Đài Loan đã phát triển hệ thống trung tâm ươm tạo với 2 mục tiêu chính là tổ chức các chương trình đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Trong đó, 50%-70% chi phí vận hành các trung tâm này được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình khuyến khích khởi nghiệp của bộ, ban, ngành.
Tương tự, tại Thái Lan, chỉ trong năm 2011, quốc gia này đã cho ra đời 35 vườn ươm doanh nghiệp trong các trường ĐH. Chính phủ Thái Lan mỗi năm dành khoản 1,3% ngân sách tài chính của quốc gia để giúp các trường ĐH mở rộng những dự án nghiên cứu. Riêng ở Phần Lan, các trường ĐH ngoài 2 chức năng truyền thống là nghiên cứu và đào tạo dựa trên nghiên cứu, còn có chức năng chính là cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới phục vụ phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực. Trong đó, các môn học về kinh doanh được phổ biến rộng rãi cho sinh viên, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp bằng cách tham gia sâu vào chuyển giao công nghệ.
Như vậy, bài học kinh nghiệm đẩy mạnh giáo dục khởi nghiệp từ các quốc gia phát triển trên thế giới dựa vào 6 yếu tố, gồm: coi trọng văn hóa khởi nghiệp; có cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp cơ sở lý luận vững chắc về khởi nghiệp và những yếu tố pháp lý liên quan cho sinh viên; chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ nghiên cứu và chuyên môn sâu; tạo ra mạng lưới kết nối giữa sinh viên với các chuyên gia và doanh nghiệp; quan trọng nhất là có nguồn quỹ tự thân và quỹ hỗ trợ phục vụ hoạt động khởi nghiệp.
Nhìn lại thực tế tại Việt Nam, các trường ĐH còn mang nặng tư tưởng giảng dạy hơn nghiên cứu khoa học. Đa số các trường ĐH không có các dự án liên kết với các doanh nghiệp và sản phẩm có được từ các công trình nghiên cứu khoa học không được ứng dụng, không có thị trường sử dụng. Trong vòng 3 năm 2016-2018, có tất cả 24 nghiên cứu được tìm thấy trong cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia liên quan chủ đề sinh viên khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo một kết quả thống kê năm 2017, có gần 80% các dự án khởi nghiệp của sinh viên thất bại. Nguyên nhân đến từ sự thiếu định hướng, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ khởi nghiệp cho sinh viên ở các trường ĐH.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, cố vấn cao cấp Chương trình khởi nghiệp quốc gia, để sinh viên khởi nghiệp thành công, trường học cần trang bị cho các em 5 nhóm kỹ năng chính gồm: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng truyền cảm hứng. Do đó, để đảm bảo chuẩn đầu ra cũng như cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, các trường ĐH cần chú trọng nhiều hơn nữa yêu cầu đào tạo kỹ năng mềm, nâng cao thời lượng thực hành nghề nghiệp, giúp sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên ngành cần thiết mà còn được cung cấp trải nghiệm thực tế từ ngành nghề, qua đó tạo dựng nền móng khởi nghiệp vững chắc sau khi tốt nghiệp.