Hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn cống hiến, không nhất thiết thành cán bộ lãnh đạo, quản lý

"Hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, diễn ra sáng 20-9.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành cũng như mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.

“Song song với việc phân quyền cho chính quyền tại Thủ đô thì trong luật cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực đó được thực hiện, phát huy tác dụng trên thực tế và phải được kiểm soát chặt chẽ”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Liên quan đến việc áp dụng pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều cho rằng, quy định về áp dụng Luật Thủ đô như dự thảo luật do Chính phủ trình là trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của luật này thì đối tượng được ưu đãi, được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất (Khoản 2 Điều 4) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả như mong muốn, có thể gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước bởi cùng một việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô nhưng sẽ có nhiều biện pháp xử lý khác nhau, tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và trong Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND thành phố Hà Nội quyết định.

Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, trong quá trình soạn thảo, trình Quốc hội các dự án luật, nghị quyết thì cần xem xét, đánh giá về nội dung các quy định trong dự thảo các văn bản này với việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi); trường hợp có nội dung vẫn cần thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) thì phải chỉ rõ trong dự thảo văn bản sắp ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Luật Thủ đô (nếu cần có chính sách ưu đãi hơn).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Trong số các nội dung cụ thể, về việc tăng thêm biên chế (Điểm d Khoản 1 Điều 10), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của dự thảo luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho thành phố Hà Nội là của cơ quan nào. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật.

Trong khi đó, đề xuất trong dự thảo luật về các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được cơ quan thẩm tra đánh giá cao, song Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

“Việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách, nhưng mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục