Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam

Ngày 17-11 tại TPHCM, Bộ Công thương đã phối hợp cùng Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Asean - Hoa Kỳ tổ chức diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022. Theo đó, diễn đàn năm nay có chủ đề "Thay đổi - Thách Thức - Thích ứng".

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 20222
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 20222

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dự kiến, con số này còn tăng hơn vào cuối năm 2022.

Hiện Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thuận về vấn đề này, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPCHM chia sẻ, hiện trên địa bàn Thành phố có 533 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hoa Kỳ với tổng giá trị vốn đầu tư đạt hơn 1,36 tỷ USD và 1.109 nhà đầu tư gián tiếp qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với giá trị vốn góp đạt gần 635 triệu USD. Nguồn vốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển khoa học, công nghệ cao… Cùng với các nhà đầu tư, có 116 Văn phòng đại diện của thương nhân Hoa Kỳ cũng đang hoạt động hết sức hiệu quả trên địa bàn Thành phố và là cầu nối quan trọng trong xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Không dừng lại đó, về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa thành phố và Hoa Kỳ tăng trưởng từ 5,1 tỷ USD vào năm 2013 lên 8,9 tỷ USD vào năm 2021. Riêng  trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố và Hoa Kỳ đạt 7,99 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. 
Do đó, cùng với việc tổ chức diễn đàn hôm nay, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng mong muốn hai bên chia sẻ về các vấn đề “Thương mại hàng hóa trong không gian hợp tác mới” và “Thương mại và dịch vụ số”. Những chủ đề, nội dung thảo luận trên có ý nghĩa quan trọng khi các lĩnh vực: logistics, thương mại, dịch vụ số,... được đánh giá rất tiềm năng và là yếu tố tất yếu trong quá trình chuyển dịch và phấn đấu thực hiện mô hình tăng trưởng phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong thời gian tới.
Cũng trong dịp này, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh, hiện TPHCM đang triển khai nhiều đề án quan trọng với quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thành phố vươn lên, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới như đề án phát triển ngành logistics; đề án phát triển xuất khẩu; đề án chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (thành phố Thủ Đức); đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế,… Do đó, rất cần sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, sự hợp tác giữa các tỉnh thành của Việt Nam với chính quyền các bang là trọng tâm quan trọng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thực hiện các mục tiêu, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong những năm qua, việc gia tăng sự hợp tác, gắn kết ở cấp độ bang như với Oregon, Tây Virginia, Maryland, Virginia, California… đã giúp xác lập các khung khổ hợp tác toàn diện, thuận lợi hóa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng; tăng cường chia sẻ thông tin về các cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các dự án cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hai nước. Do vậy, cần phát huy thêm vấn để này để giúp doanh nghiệp hai nước tăng khả năng hợp tác giao thương với nhau. 

Tin cùng chuyên mục