Đến thăm gia đình một người bạn thân ở Mátxcơva tôi mới biết thành phố đang triển khai một chương trình giáo dục mới giúp giải quyết việc hòa nhập của người nhập cư. Bạn tôi nói đây là chương trình rất cần thiết vì số lượng người nhập cư nước ngoài ở thủ đô Nga đang ngày càng gia tăng. Dân số Mátxcơva hiện là 13 triệu người. Bên cạnh những người dân bản địa còn có những cộng đồng cư dân đến từ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ...
Ban đầu, các chuyên gia giáo dục đã đề ra hai kế hoạch. Kế hoạch thứ nhất là xây dựng môn tiếng Nga trong các trường học, con em của người nhập cư nước ngoài cần dành hẳn một năm để học tiếng Nga, sau đó mới có thể bắt đầu các môn học khác.
Kế hoạch thứ hai là giúp các em hòa nhập vào quá trình học tập và cuộc sống xã hội của nhà trường ngay từ những ngày đầu đến lớp, ngoài ra có những giờ bổ sung để học tiếng Nga. Các em học sinh này sẽ giao tiếp với bạn học đồng trang lứa người bản địa, tham gia vào mọi hoạt động chung của toàn trường.
Khi đưa ra bàn thảo lấy ý kiến, kế hoạch thứ hai lại có vẻ nhận được nhiều sự tán đồng hơn cả. Ngôi trường đầu tiên được áp dụng mô hình giáo dục theo kế hoạch thứ hai lại là 282, một mái trường nổi tiếng tại thủ đô Nga.
282 là trường phổ thông, đây không phải là một ngôi trường lớn nhưng được nhiều người nhập cư nước ngoài biết đến vì trường luôn thu nhận con em của những người ngoài bản địa. Số lượng học sinh Việt Nam ở trường khá nhiều.
Thống kê cho thấy, trong khoảng 400 học sinh thì hơn 100 em là người Việt Nam và trên 30 em là người Kygryzstan. Các giáo viên của trường đã soạn một chương trình mới cho việc giảng dạy tiếng Nga dành cho người nước ngoài và hiện chương trình này đang được sử dụng tại các trường học khác trong thành phố.
Hiệu quả của các phương pháp giáo dục mà trường áp dụng đã đem lại nhiều kết quả rõ rệt. Vào năm ngoái, trong số 6 học sinh tốt nghiệp trung học đoạt phần thưởng Huy chương bạc thì 5 em là con của gia đình người nhập cư thuộc các dân tộc khác nhau.
10 học sinh của trường, trong đó 6 em người Việt, đã giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế theo chủ đề “Kể về nước Nga bằng tiếng Nga”, được tổ chức năm nay ở Mátxcơva. Các học sinh trường 282 là thành viên tham gia thường xuyên và luôn đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của thành phố, toàn quốc và những cuộc thi quốc tế.
Một điển hình trong số đó là em học sinh lớp 6 Bùi Tuấn Dũng. Năm ngoái, bài luận của Dũng nói về cuộc phong tỏa Leningrad đã chiếm giải nhất ở vòng liên quận trong cuộc thi lịch sử - văn học toàn Nga nhan đề “Tôi nhớ! Tôi tự hào!” nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng phát xít.
Nghe bạn tôi nói, trong chương trình giáo dục mới của Mátxcơva, 282 sẽ còn mở rộng việc dạy tiếng Nga cho những người nhập cư nước ngoài. Phương pháp này khá hay vì không phải người nhập cư nào đến nước Nga cũng thông thạo tiếng Nga. Bất đồng ngôn ngữ chính là một bức tường ngăn cách sự hòa nhập của những người nhập cư trong xã hội Nga.
Hy vọng trong tương lai không xa sự bất đồng này sẽ dần được xóa bỏ nếu nước Nga tiếp tục áp dụng những phương pháp giáo dục mới mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho những người nhập cư nước ngoài, thay vì tìm các biện pháp hạn chế người nhập cư.
BẢO THỤY