Hoàn thiện pháp lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn TPHCM

Báo cáo tại cuộc giám sát, lãnh đạo Sở VHTT TPHCM cho biết, thời gian qua, nhiều di tích, di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ ngày một hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích và tu bổ di tích trái quy định. 
Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi giám sát
Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi giám sát

Chiều 4-10, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM có cuộc giám sát tại Sở VHTT TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 52 của HĐND TPHCM về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình chủ trì cuộc giám sát.

Báo cáo tại cuộc giám sát, lãnh đạo Sở VHTT TPHCM cho biết, thời gian qua nhiều di tích, di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ ngày một hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích và tu bổ di tích trái quy định. Việc phối kết hợp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa cũng được Sở VHTT TPHCM thực hiện khá tốt với các địa phương và các ngành liên quan. Hiện trên địa bàn TPHCM có 185 di tích được xếp hạng; đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá, hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng một số di tích, công trình mang tính biểu tượng của TPHCM như: Chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Bưu điện TP…

Hoàn thiện pháp lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn TPHCM ảnh 1 Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Nga phát biểu tại buổi giám sát

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích văn hóa, lịch sử được tốt hơn, Sở VHTT TPHCM kiến nghị cần sửa đổi Luật Di sản văn hóa; cho phép ban hành đơn giá áp dụng riêng đối với các dự án, báo cáo kinh tế, kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục chế di tích; quy chuẩn về nguyên vật liệu thực hiện trong tu bổ, tôn tạo di tích; bố trí nguồn vốn tu bổ, phục hồi một số di tích đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ…

Ý kiến của các đại biểu và đại diện các sở ngành đặt ra một loạt vấn đề về thực trạng các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện nay tại TPHCM. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa trong đời sống nhân dân và gắn kết phát triển với ngành du lịch trong thời gian dài vừa qua chưa được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, phối hợp tốt. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử cấp TP và cấp quốc gia nhiều năm qua xuống cấp nhưng thiếu kinh phí trùng tu, sửa chữa; nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bị mai một, dần mất đi giá trị trong việc truyền giữ, phát huy giá trị; sự phối kết hợp giữa ngành chức năng và các địa phương trong quản lý, bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng của di tích, di sản chưa được tốt, đặc biệt là các di tích văn hóa, lịch sử cấp TP và cấp quốc gia…

Hoàn thiện pháp lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn TPHCM ảnh 2 TS Nguyễn Thị Hậu phát biểu tại buổi giám sát
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở VHTT cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND TPHCM trong lập các đề án bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di tích, di sản hiện có trên địa bàn TPHCM; phối hợp các địa phương trong quản lý, giải quyết các vướng mắc liên quan đến cá nhân, tổ chức trong phạm vi bảo vệ, quản lý di tích, di sản; kiến nghị với ngành chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung những quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế và thể chế hóa các lĩnh vực, hoạt động gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản trong đời sống nhân dân gắn với phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục