Người dân chưa kịp hưởng lợi
Có mặt tại Nhà Văn hóa thôn Đông Hồ, xã Proh, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), nhiều người không khỏi xót xa khi thấy công trình khung sắt cao gần 10m làm giá đỡ cho bồn nước 5.000 lít đang han gỉ từng ngày.
Năm 2012, người dân tại thôn Đông Hồ vui mừng khi công trình giếng khoan được nhà nước đầu tư 1 tỷ đồng, dự kiến phục vụ nước sinh hoạt cho 47 hộ dân. Tuy nhiên, háo hức đón chờ công trình bao nhiêu thì nỗi thất vọng lại lớn bấy nhiêu. Khi công trình hoàn thành, nhiều hộ dân trong vùng sắm sửa bồn chứa để đón nước từ giếng tập trung nhưng không nhà nào được sử dụng vì nước bơm lên tới đâu bị thất thoát tới đó. Bồn trung tâm không thể thực hiện chức năng chứa nước để phân phối đi tới các hộ dân. Bà Phan Thị Mai Hương (thôn Đông Hồ, xã Proh) bức xúc: “Nhà tôi chỉ cách giếng nước vài bước chân nhưng khi mở van đấu nối nước vào nhà thì nước không sử dụng được vì toàn cát, nước chảy không được. Chỉ cần những hộ sống quanh giếng khoảng 30 - 40m mở van lấy nước thì những hộ phía xa không có nước sử dụng. Chưa kể hệ thống đường ống bị vỡ hết đoạn này đến đoạn khác, do không được sửa chữa”.
Dù vậy, khi đánh giá hiện trạng hoạt động và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thì năm 2016 công trình giếng khoan ở thôn Đông Hồ vẫn hoạt động ở mức trung bình, năm 2017 mới rơi vào tình trạng không hoạt động. “Giá như hỗ trợ mỗi hộ dân 5 - 10 triệu đồng để khoan giếng có khi hiệu quả hơn việc đầu tư số tiền cả tỷ đồng làm công trình không phục vụ được người dân”, ông Hoàng Văn Sắt, thôn Đông Hồ chia sẻ. Giếng khoan tập trung không có nước nên từng gia đình đã vay tiền, tự đào giếng với giá từ 20 - 45 triệu đồng/giếng tùy địa chất, độ sâu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Tương tự, tại các xã Tà Hine, Đà Loan (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) nơi luôn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trong nhiều năm, tình trạng các công trình nước sinh hoạt tập trung tại đây hầu hết cũng không hoạt động hoặc cầm chừng. Anh K’Huy, thôn Tơ Krang, xã Tà Hine, cho biết công trình giếng khoan của thôn nhìn lớn vậy nhưng chỉ cấp nước được cho 2 hộ gia đình, trong khi cả thôn có hơn 80 hộ dân. Nguyên nhân công trình không thể hoạt động là do ban đầu bồn chứa nước bị rò rỉ, các ống dẫn nước bị một số người dân đào móng xây nhà, làm đường, khiến hệ thống ống dẫn nước bị vỡ, gãy. Nước sinh hoạt không đến với các hộ dân nên họ không đóng tiền điện, công trình buộc phải dừng hoạt động. Ngoài ra, hàng loạt công trình nước tự chảy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang do vận hành và bảo vệ nguồn nước không tốt.
Lãng phí lớn
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn hiện có 237 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, ngoài số lượng công trình hoạt động bền vững và hoạt động ở mức trung bình, có 95 công trình (chiếm 40%) hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Chỉ tính riêng những công trình này, mức đầu tư xây dựng đã lên tới khoảng 60 tỷ đồng. Khi được xây dựng, các công trình giếng khoan (69 công trình) có mức đầu tư trung bình hàng trăm triệu đồng/giếng, có công trình tự chảy được đầu tư từ 1 - 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, các công trình hoạt động kém hiệu quả và ngưng hoạt động đã tác động trực tiếp tới hơn 25.700 người dân, phần lớn sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, hơn 100 công trình khác được đánh giá hoạt động bình thường nhưng thực tế cũng đang “thoi thóp”, thậm chí đã ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Chi, Chủ tịch UBND xã Proh, huyện Đơn Dương, cho biết, nhu cầu người dân sử dụng nước sạch khi nào cũng cần nhưng vị trí khảo sát và gắn trách nhiệm cộng đồng với việc bảo vệ công trình thì mới có thể duy trì những giếng khoan hoạt động một cách bền vững. “Ở xã Proh có 3 giếng khoan nhà nước hỗ trợ thì 1 cái bị nhiễm phèn, không đảm bảo vệ sinh, vị trí đặt giếng không được cao nên áp lực nước tự chảy rất yếu, khiến người dân không thể lấy nước. Chúng tôi chỉ được chuyển giao sử dụng nên không được tham gia vào việc xây dựng. Công trình không phát huy hiệu quả gây lãng phí lớn. Đối với công trình giếng khoan đã bị ngưng hoạt động ngay sau khi đưa vào sử dụng ở thôn Đông Hồ, chúng tôi kiến nghị thanh lý toàn bộ thiết bị, đồng thời sẽ di chuyển phần nào còn sử dụng được sang những thôn còn khó khăn hơn để hỗ trợ người dân tích trữ nước”.
Việc triển khai, duy trì hệ thống cấp nước sạch nông thôn tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là về nguồn vốn. Theo ông Phan Văn Hợi, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tình trạng nhiều công trình nước sạch nông thôn chưa phát huy được hiệu quả là do đơn vị quản lý (các trung tâm quản lý và khai thác công trình thủy lợi huyện và UBND các xã) thiếu kiểm tra, giám sát, chưa có cơ chế khuyến khích người quản lý, vận hành để nâng cao trách nhiệm. Cán bộ quản lý công trình tại cấp thôn, xã thực sự không đủ năng lực về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ để quản lý công trình nước sạch.
Việc vận hành bảo dưỡng, sửa chữa không thường xuyên, dẫn đến việc cấp nước không đảm bảo cho người dân. Hàng năm, kinh phí cho công tác duy tu, nâng cấp hạn chế, trong khi các công trình giếng khoan có chi phí hoạt động lớn (tiền điện, tiền sửa chữa máy bơm...) nên nhiều công trình chưa được nâng cấp kịp thời, dẫn đến xuống cấp hư hỏng. Chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện cấp bù giá nước sinh hoạt nông thôn nên hiện nay số lượng công trình ngừng hoạt động và hoạt động không hiệu quả tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là trong mùa khô hạn kéo dài.
Tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa với 40 công trình nước sạch nông thôn (những công trình tự chảy, hồ, suối) với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 713 tỷ đồng và 253 công trình giếng khoan tập trung với tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giúp gần 60.000 hộ dân được thụ hưởng.