Hơn 1.000m² diện tích khai quật, với các tầng văn hóa dày đặc chồng lấn từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê sơ… đến thời hiện đại, kết quả khai quật khảo cổ năm 2015 của Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được công bố ngày 14-12 tại Hà Nội đã góp phần làm sáng tỏ nhiều dấu tích kiến trúc cổ xưa.
Các di vật được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long năm 2015
PGS-TS Tống Trung Tín, người nhiều năm gắn bó với công việc khai quật khảo cổ tại HTTL cho biết, dù diện tích khai quật năm 2015 có gần 1.000m² nhưng lại thu hoạch nhiều kết quả khảo cổ học nhất.
Kết quả ấy phát hiện các tầng văn hóa dày đặc từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng… chồng lấn lên nhau, dày đặc hơn khu vực vườn hồng và 18 Hoàng Diệu. Một đường nước lớn từ thời Lý với cấu trúc móng cọc, bờ gạch bao quanh tìm trong 3 hố khai quật lần này đã sáng tỏ những tranh cãi khai quật năm 2013 và 2014. Những năm trước, nhiều người đưa ra giả thiết đường nước lớn chạy lên phía Bắc bao quanh khu vực điện Kính Thiên. Đến nay, PGS-TS Tống Trung Tín khẳng định đường nước đó chạy qua Đoan Môn đến Cột Cờ.
Hiện nay, khảo cổ học đã tìm được 83m chiều dài của đường nước, dự kiến sẽ còn 17m chạy về phía Đông. Các dấu tích kiến trúc thời Lý năm 2015 xuất lộ thêm một số móng cột lớn, được xác định là thuộc kiến trúc hành lang đã phát hiện trước đó cho thấy ngay ngoài đường nước lớn đã có các kiến trúc khá quy mô. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là đường dẫn nước của kinh thành xưa, nhưng GS Phan Huy Lê khẳng định, dựa vào những cứ liệu lịch sử và so sánh với các dấu tích khác cùng thời có thể thấy đây là một đường dẫn mang yếu tố tâm linh. Phát hiện ra đường dẫn nước này sẽ giúp các nhà khoa học có thêm chứng cứ vị trí trung tâm của cấm thành xưa kia.
Bên cạnh những dấu tích thời Đại La, thời Lý, những dấu tích thời Trần đặc trưng với diềm hoa chanh, thời Lê sơ với nền kiến trúc được gia cố công phu và có gạch vồ đỏ bó vỉa, thời Lê Trung hưng là kiến trúc cổng hành lang và thời Nguyễn là các móng cột… cũng được phát hiện dày đặc tại các hố khai quật.
Tại hội nghị thông báo kết quả khảo cổ 2015, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình khảo cổ để lấy cơ sở phục dựng không gian điện Kính Thiên. PGS-TS Hoàng Văn Khoán, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nhấn mạnh: “Không còn cách nào khác chúng ta phải khảo cổ khu vực được coi là chính điện, cho dù có phải di dời các di tích thời hiện đại”.
Tuy nhiên, PGS-TS Đặng Văn Bài lại cho rằng, khảo cổ không thể nóng vội. PGS-TS Tống Trung Tín cũng đồng ý việc phục dựng không gian điện Kính Thiên cần có nhiều giai đoạn chứ không phải là phục dựng ngay lập tức. Một mặt phải nghiên cứu, sau đó hệ thống tư liệu. Cần phải có nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản và khoa học cho những công việc này chứ không đơn giản. Giai đoạn đầu tiên là phải tiến hành khảo cổ, tập hợp tư liệu. Đó là cái căn gốc nhất. Nhưng các cuộc khai quật khảo cổ hiện vẫn chỉ được thực hiện trên diện tích nhỏ…
Có mặt tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đã giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng kế hoạch, đề án khảo cổ trong từng giai đoạn dài. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho việc sáng tỏ giá trị lịch sử văn hóa của di sản.
MAI AN