Hoạt động bổ trợ bảo tàng: Bao giờ?

Đáp ứng nhu cầu du khách
Hoạt động bổ trợ bảo tàng: Bao giờ?

Tổ chức các dịch vụ bổ trợ phù hợp với hoạt động của hệ thống bảo tàng từ lâu đã trở nên phổ biến và không thể thiếu, là hình thức thu hút công chúng quen thuộc tại nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là xu hướng phát triển của bảo tàng thế giới hiện đại. Ở Việt Nam, chủ trương tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ bảo tàng đã có khá lâu (hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL từ năm 2010). Tuy nhiên, đến nay việc tổ chức hoạt động lĩnh vực này chưa được mấy quan tâm. Vì sao?

Quầy hàng lưu niệm do các nạn nhân chất độc da cam thực hiện tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TPHCM.

Quầy hàng lưu niệm do các nạn nhân chất độc da cam thực hiện tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TPHCM.

Đáp ứng nhu cầu du khách

Cho đến nay, dịch vụ phổ biến nhất tại các bảo tàng ở Việt Nam hầu như mới chỉ dừng lại ở hình thức quầy hàng lưu niệm, các dịch vụ như cho thuê địa điểm tổ chức hội thảo, diễn thuyết, giao lưu họp mặt, sinh hoạt tập thể, giáo dục truyền thống, chụp ảnh lưu niệm hay tổ chức đám cưới… nhưng nhìn chung không đáng kể. Trong khi thực tế, phần nhiều du khách khi đến các bảo tàng ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa đặc trưng, họ còn có nhu cầu giải trí, mua sắm hay khám phá những đặc trưng văn hóa ẩm thực.

Theo quan niệm của Tổ chức Bảo tàng quốc tế (ICOM), hoạt động của bảo tàng hiện đại không chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục mà còn là nhu cầu giải trí của công chúng. Chính vì xác định nhu cầu thư giãn và giải trí của công chúng ở bảo tàng là có thật nên nhiều bảo tàng trên thế giới đã có cách làm rất quy mô, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến địa phương. Tại Bảo tàng chiến thắng Trou, Normandy (Pháp), không ít du khách khi đến đây rất háo hức khám phá những món ăn từ thời Thế chiến thứ nhất do một nhà hàng nổi tiếng phục vụ ngay trong bảo tàng. Để được thưởng thức  một bữa ăn ở nhà hàng này, ngoài số tiền không nhỏ, khách còn phải đặt chỗ trước. Ngay cả ban giám đốc bảo tàng muốn đãi khách ở đây cũng phải đặt chỗ trước. Còn ở “thành phố bảo tàng” Hiroshima Nhật, để được thưởng thức món ăn truyền thống từ trên 200 năm trước của người dân thành phố này, khách vừa phải đặt chỗ trước ở nhà hàng vừa phải rồng rắn xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới được phục vụ…

Hoành tráng và tổ chức dịch vụ quy mô hơn cả phải kể đến Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Đan Mạch ở thủ đô Copenhagen, vốn thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Ngay trong khuôn viên bảo tàng tổ chức 2 nhà hàng rất quy mô: nhà hàng phương Tây và phương Đông. Tại nhà hàng phương Tây, món ăn truyền thống của người Đan Mạch được du khách ưa chuộng rất đơn giản chỉ là món bò hầm và khoai tây đút lò. Chưa hết, ngay dưới tầng hầm của bảo tàng là trung tâm siêu thị hoành tráng cả chục ngàn mét vuông, phục vụ tất cả các mặt hàng cho khách thưởng lãm. Đặc biệt, chỉ có những sản phẩm xuất xứ từ siêu thị mới được phép in biểu tượng của bảo tàng nổi tiếng này.

Không chỉ vì mục đích lợi nhuận

Tại nhiều bảo tàng ở các nước, đặc biệt là ở Mỹ, từ lâu đã thực hiện dịch vụ thiết kế hộp tư liệu giáo dục của bảo tàng. Trong các hộp này thường là tư liệu, hiện vật nguyên bản hoặc bản sao, phim tư liệu hay một ấn phẩm nào đó liên quan đến một đề tài cụ thể để cho thuê hoặc bán. Bảo tàng thiếu nhi ở Boston được các cơ quan giáo dục của Mỹ ký hợp đồng để thực hiện hộp tư liệu giáo dục của bảo tàng với từng chủ đề: “Một gia đình Nhật Bản năm 1966” hay “Một ngôi nhà ở Hy Lạp cổ đại”… Các chương trình đều được sản xuất và phân phối thương mại. Giống như vậy nhưng Bảo tàng Nghệ thuật New York mang lại hiệu quả ở tầm cao hơn. Bảo tàng đã thiết kế một hệ thống gồm 8 chương trình dành cho học sinh trung học với chủ đề “Khám phá lịch sử châu Mỹ bằng nghệ thuật”. Mỗi chương trình gồm phim tư liệu, hiện vật gốc, sách giáo khoa, đĩa nhạc… nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin phổ quát nhất về nghệ thuật, âm nhạc và các nghệ sĩ tiêu biểu. Từ ý tưởng độc đáo, thực hiện quy mô của bảo tàng, những chương trình này sau đó được một công ty trả tiền bản quyền để sản xuất và phân phối trên cả nước Mỹ.

Xu thế phát triển của các bảo tàng trên thế giới rất rõ ràng: hướng đến cách thức hoạt động “mở”, dịch vụ của bảo tàng ở nhiều nước rất đa dạng và phong phú và tất cả cách thức này luôn hướng tới mục tiêu giáo dục của bảo tàng là chính chứ không phải chỉ vì mục đích lợi nhuận. Bao giờ các hoạt động bổ trợ bảo tàng ở Việt Nam mới thật sự khởi động là vấn đề quan tâm của nhiều người không chỉ trong lĩnh vực văn hóa.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục