Từng là lao động phổ thông, không có trình độ, kỹ năng, song với anh Lâm Quốc Khải (ảnh), mỗi ngày làm việc là cơ hội để tự khám phá, tìm tòi phương án sản xuất tiết kiệm, hiệu quả.
Công ty Paiho chuyên sản xuất dây đai, dây thun chuyên dụng cho ngành giày da, may mặc. Chuyền sản xuất do anh Khải (31 tuổi), phụ trách có 108 máy dệt, xếp thành 7 dãy. Riêng 10 máy dệt đặt gần cửa ra vào thường có năng suất kém hơn. Cả ngày làm việc, máy chạy được chừng 5 giờ, còn 3 giờ nằm nghỉ. Quan sát kỹ, anh Khải nhận thấy, do gần cửa ra vào, mỗi khi có gió lùa, sợi dệt vốn mỏng manh, thường bị đứt và xáo trộn. Máy buộc phải dừng lại để chờ công nhân xử lý đứt sợi, sắp xếp lại nguyên liệu nhẹ bị xáo trộn. Xác định rõ nguyên nhân, anh đề nghị lãnh đạo công ty lắp một bức tường kính cao hơn 2m, chạy dài 20m để chắn gió, bảo vệ 10 máy dệt. Nhờ đó, năng suất mỗi máy dệt tăng khoảng 15%, tỷ lệ hàng kém chất lượng giảm từ 1% xuống còn 0,2% và bớt hẳn những thao tác thừa trong sản xuất.
Xót ruột khi thấy mỗi khi bật công tắc điện là 400 bóng đèn đồng loạt thắp sáng, anh Khải đề nghị thiết kế lại hệ thống điện, chia thành từng nhóm, cứ 3 máy dệt chung 1 công tắc. Từ đó, trong chuyền của anh, công nhân sử dụng máy dệt đến đâu thì bật điện chiếu sáng ở đó. Bóng đèn chiếu sáng cũng được thay thế bằng loại tiết kiệm điện. Những sáng kiến dù nhỏ như thế nhưng mỗi tháng giúp chuyền của anh tiết kiệm được gần 20 triệu đồng.
Anh Khải chia sẻ, là công nhân, những điều phù hợp anh đã học được từ Bác là tinh thần trách nhiệm với công việc, ý thức tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh và sẻ chia với mọi người. Từ học hỏi, những nét đẹp của Bác đã thấm dần trong anh và được anh thể hiện trong từng công việc cụ thể hàng ngày. Bước vào công ty từ năm 2002, công việc của anh Khải là sửa máy. Không “yên phận”, anh Khải chủ động học tập, trải qua đủ các vị trí, bộ phận trong dây chuyền sản xuất.
Giờ đây, ở vị trí Phó khoa chuyền sản xuất, anh Khải luôn tận tình chỉ bảo cặn kẽ cho công nhân những thao tác lao động sao cho chuẩn xác, gọn gàng. Anh thổ lộ, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng dạy nghề cho công nhân. Trong khi đó, công nhân rất thiệt thòi khi cả đời chỉ làm một công đoạn, một chi tiết trong dây chuyền sản xuất. Nếu cứ như vậy, sau này có tuổi, nếu bị đào thải, công nhân rất khó có thể tiếp tục xin được việc làm. Vì thế, trong chuyền sản xuất do mình phụ trách, vào dịp ít việc (tháng 7, tháng 8), anh thường hoán đổi vị trí làm việc, đảo người để 70 công nhân có điều kiện va chạm, thuần thục ở các công đoạn. Người chuyên mắc sợi nếu rơi vào lúc chưa có hàng về, anh điều động sang bộ phận xỏ sợi. Công nhân xỏ sợi nhiều khi được anh đảo sang vị trí mắc sợi, người lãnh sợi có khi được phân công coi máy - những công việc có thu nhập khá hơn. Ban đầu, cũng nhiều người cự nự, cho rằng anh làm khó. Khi hiểu ra lợi ích mà công nhân đa năng thu được: Có điều kiện cải thiện thu nhập, cải thiện tay nghề, trưởng thành trong công việc… mọi người đều sẵn sàng học hỏi, choàng gánh lẫn nhau theo yêu cầu của anh.
Vừa giúp công nhân tăng năng suất, giảm bớt sức lao động, lại giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu trong lao động sản xuất, anh Khải vừa được tuyên dương là điển hình học và làm theo gương Bác.
MẠNH HÒA