Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 21: Tỏa sáng giá trị nhân văn

Sáng nay, 20-4-2019, tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Báo SGGP phối hợp Câu lạc bộ truyền thống Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam TPHCM (sau đây viết tắt là CLB) tổ chức lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 21 cho các sinh viên vượt khó học giỏi của Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng PGS-TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB - người đồng hành, quan tâm sâu sát từng bước đi của Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng ngay từ những ngày đầu thành lập.  

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 21: Tỏa sáng giá trị nhân văn ảnh 1 PGS-TS Trần Thị Trung Chiến (giữa) thay mặt gia đình trao 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2018. Ảnh: KHÁNH DUNG
* PHÓNG VIÊN: Thưa PGS-TS Trần Thị Trung Chiến, ngay từ khi còn là Bộ trưởng Bộ Y tế, bà đã nhiều lần tham dự lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng do Báo SGGP tổ chức. Những năm gần đây, khi đã nghỉ hưu, bà càng gắn bó, quan tâm nhiều hơn đến chương trình học bổng này. Bà có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình? 

- PGS-TS TRẦN THỊ TRUNG CHIẾN: Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ cao cả của những người thầy thuốc. Để có được những người thầy thuốc giỏi, ngoài nỗ lực bản thân của các thầy thuốc, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho họ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng do Báo SGGP tổ chức hàng năm chính là thể hiện một phần sự quan tâm của toàn xã hội, giúp các sinh viên ngành y, dược có thêm điều kiện để trở thành những thầy thuốc giỏi trong tương lai.

Mặt khác, ở hoàn cảnh khó khăn, được xã hội chung tay giúp đỡ, các em sinh viên được nhận học bổng  hiểu sâu sắc hơn về đạo đức và tình thương; ý thức rõ hơn về trách nhiệm đối với bệnh nhân của mình, nhất là bệnh nhân nghèo. Tôi nghĩ, đó cũng là mục tiêu lớn mà Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng muốn hướng đến. Vì vậy, có thể nói, đây là một chương trình xã hội tỏa sáng giá trị nhân văn, rất thiết thực và có ý nghĩa. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã được sự quan tâm, ghi nhận của xã hội và ngành y tế cả nước. Qua theo dõi, tôi được biết, quỹ đã nhận được sự tham gia đỡ đầu và cố vấn hữu ích của các giáo sư, bác sĩ tên tuổi hàng đầu trong ngành y, như: cố Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung; Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Khánh Dư; Giáo sư - Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đông A; Anh hùng Lao động, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng; Anh hùng Lao động, bác sĩ Phan Kim Phương…

Bằng tâm huyết và uy tín của mình, ngoài vai trò là thành viên chủ chốt của hội đồng quản lý quỹ, họ còn là nhịp cầu kết nối những trái tim nhân ái vì thế hệ thầy thuốc trẻ tương lai thông qua việc vận động đồng nghiệp, bằng hữu và các mối quan hệ xã hội khác đóng góp tài lực cho quỹ.

Không chỉ vậy, về sau còn có sự tham gia đóng góp tài chính từ các đơn vị ngành y - ngành dược, các bệnh viện ở TPHCM và cả 2 đơn vị thụ hưởng chính của chương trình học bổng là Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chính vì vậy, tôi đã rất quan tâm, luôn theo dõi và ủng hộ chương trình học bổng này. Tôi nghĩ, mình có duyên với chương trình học bổng này. 

* Có phải từ “cái duyên” này mà bà đã rất quan tâm đến việc vận động đóng góp cho sự phát triển của Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng?

- Không chỉ cá nhân tôi, mà gia đình tôi cũng rất quan tâm đến chương trình học bổng có ý nghĩa, thiết thực này. Năm trước, thực hiện di nguyện của song thân trước lúc lâm chung, anh chị em trong gia đình tôi đã chung góp 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Tôi nghĩ, ủng hộ quỹ là góp phần tích cực giúp sinh viên y khoa nghèo có điều kiện trở thành những thầy thuốc có tấm lòng thương yêu bệnh nhân và giỏi về chuyên môn để cứu người.

Vào ngày 19-12-2018, trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước trao tặng Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, CLB cũng đã vận động được 660 triệu đồng tặng sinh viên ngành y, dược nghèo hiếu học, trong đó tặng Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng 250 triệu đồng. Việc làm này cũng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng và những thế hệ thầy thuốc chúng tôi đối với mong muốn duy trì, phát triển bền vững, lâu dài chương trình học bổng mang tính xã hội lớn này.

* Năm nay lễ được tổ chức tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam từ ý tưởng và sự hỗ trợ lớn của bà. Ý tưởng này được Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng và lãnh đạo 2 trường đại học có sinh viên được nhận học bổng hưởng ứng ngay. Bà có thể chia sẻ đôi điều về ý tưởng này? 

- Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam (tiền thân là Ban Y tế Chính Nam) ra đời từ năm 1963, là cơ quan giúp việc cho Trung ương Cục. Đơn vị này đã từng bước kết hợp với quân y đào tạo cán bộ, tổ chức cấp cứu thương, bệnh binh; tổ chức khám và điều trị bệnh trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam cũng tự xây bệnh viện, chặt cây, đốn tre làm giường bệnh, đào hầm trú ẩn, chăm sóc và nuôi dưỡng thương, bệnh binh…

Dù đầy gian khổ nhưng các thầy thuốc vẫn rất vui vẻ, hăng hái làm việc và luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng, không quản ngại hy sinh gian khổ, luôn dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng không chỉ tiếp sức các sinh viên có thêm điều kiện thực hiện ước mơ trở thành thầy thuốc tương lai, mà còn thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội về một thế hệ thầy thuốc biết phát huy truyền thống cao đẹp của các thế hệ thầy thuốc cha ông, cống hiến hết mình cho đất nước, dân tộc.

Tổ chức lễ trao học bổng cho sinh viên ngành y tại nơi này là để các em có được trải nghiệm, hiểu biết thêm về truyền thống ngành y trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ.

Qua đó, kết hợp giáo dục truyền thống ngành cho các sinh viên - thế hệ thầy thuốc tương lai của đất nước. Truyền thống này sẽ là hành trang đưa các em vào đời, khi ra trường biết cống hiến, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân 

Tin cùng chuyên mục