Đó là câu hỏi thường trực của không ít thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng và đang ngóng chờ kết quả thi cử.
Trước thực trạng danh sách cử nhân ra trường thất nghiệp ngày một dài, cả xã hội đều hoang mang, lo lắng cho tương lai nghề nghiệp. Nếu tiếp tục chọn học ĐH, CĐ để rồi ra trường thất nghiệp hoặc phải giấu bằng đi làm công nhân thì thật lãng phí. Đó là chưa kể thu nhập “bèo bọt” của đời thợ không đủ bù đắp khoản đầu tư quá lớn cho tấm bằng ĐH. Thế nhưng, chọn học nghề thì phần đông cũng không mặn mà, cảm thấy bấp bênh vì chắc gì học xong sẽ có việc làm, thu nhập ổn định? Trong khi xã hội vẫn chuộng bằng cấp và ở khu vực nhà nước thì lương, thu nhập vẫn tính theo thước đo ấy thì làm sao khuyến khích người trẻ chọn ngã rẽ vào trường nghề, yên tâm làm người thợ.
Nhìn lại suốt nhiều năm qua, nhà nước đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống đào tạo nghề và địa phương nào cũng có trường nghề, trung tâm dạy nghề. Nhưng thử hỏi kết quả đào tạo đội ngũ “làm thợ” này mang lại hiệu ứng như thế nào? Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định là bao nhiêu? Thật lãng phí khi đang có hàng trăm trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề mọc lên như nấm, nhưng không có người học và nếu có với số lượng nhỏ thì chất lượng đầu ra cũng không đảm bảo, thiếu và yếu kỹ năng thực hành… Hơn nữa, nhiều địa phương tổ chức dạy nghề theo phong trào, dạy những nghề dễ dạy nhưng không gắn với giải quyết việc làm đã khiến người trẻ, học sinh tốt nghiệp THPT không muốn bước vào con đường học nghề. Thực tế này đã được cảnh báo từ rất lâu và nó minh chứng rằng công tác phân luồng học sinh, nhất là đối với học sinh tốt nghiệp THCS hầu như không mang lại hiệu quả. Và khi không hướng được luồng học sinh có học lực trung bình yếu ở bậc THCS vào các trường nghề, tất cả lại bước tiếp vào bậc THPT và nuôi hy vọng vào ĐH, CĐ. Lỗi tại ai và làm cách nào để xoay chuyển dòng chảy và quan niệm đã ăn vào tiềm thức của toàn xã hội - chỉ nhắm đến tấm bằng ĐH?
Nếu Bộ GD-ĐT vẫn dễ dãi với việc mở ngành học vô tội vạ và tháo khoán chỉ tiêu đào tạo bậc ĐH, CĐ cho các trường ĐH yếu năng lực, chạy theo số lượng thì sản phẩm đầu ra sẽ không được xã hội chấp nhận. Như thế, tình trạng cử nhân xếp hàng chờ việc làm mỗi ngày một dài thêm, nhất là ngành sư phạm, có phần lỗi của Bộ GD-ĐT. Mặt khác để thu hút người học vào hệ thống trường nghề, cần quy hoạch và đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp một cách bài bản, thực học - thực hành chứ không thể dạy chay, học chay và không gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Để đánh giá đúng hoạt động dạy nghề cũng như sự đầu tư kinh phí ồ ạt trong thời gian qua, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cử đoàn giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động này ở các địa phương và chấn chỉnh sự lãng phí, thất thoát của nó. Đất nước ta còn nghèo, ngân sách còn eo hẹp nên việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn được bao cấp cho các cơ sở dạy nghề phải mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ khi nào học nghề gắn với việc làm và người thợ được xã hội tôn vinh, trọng vọng thì học sinh mới từ bỏ ước mơ “làm thầy”, tự nguyện “làm thợ” như xã hội mong đợi. Đừng trách những “cô tú, cậu tú” quay lưng với trường nghề, ngã rẽ học nghề, mà hãy xem lại chính sách đầu tư cho đào tạo nghề, trả lương và thu nhập đã tương xứng hay chưa…
DIỆU LY