Chương trình “Tư vấn-Hướng nghiệp 2006”

Học sinh ngoại thành không quan tâm đến điểm ưu tiên

Chương trình đã giúp HS rất nhiều thông tin hữu ích
Học sinh ngoại thành không quan tâm đến điểm ưu tiên

Tiếng vỗ tay vang dội của hàng ngàn học sinh (HS) đón chào nhà tư vấn đến từ các trường ĐH đã làm chúng tôi – những người thực hiện chương trình “Tư vấn – Hướng nghiệp 2006” ngày 5-3 của Báo SGGP – thở phào nhẹ nhõm…

Khi thông tin đến vùng đất thép

Học sinh ngoại thành không quan tâm đến điểm ưu tiên ảnh 1

Học sinh nêu câu hỏi với ban tư vấn. Ảnh: MAI HẢI

Sáng 5-3, trên đường đến địa điểm tư vấn, chúng tôi - những người tổ chức chương trình “Tư vấn – Hướng nghiệp 2006” (do Công ty TNHH Thiết bị dạy học Hồng Anh tài trợ) - rất lo lắng vì không biết thông tin về chương trình đã đến được với nhiều HS vùng sâu vùng xa hay chưa. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi thì trên 500 HS lớp 12 của Trường PTTH Trung Phú với hàng trăm HS đến từ các trường PTTH Trung Lập, Tân Thông Hội, Phú Hòa (huyện Củ Chi), Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn)… đã có mặt. Không bao lâu sau hội trường Trường THPT Trung Phú có sức chứa trên 1.000 người trở nên quá chật chội.

Không chỉ có các nhà tư vấn mà nhiều HS ở xa phải dậy từ tờ mờ sáng để khởi hành bởi cuộc hành trình đến địa điểm tổ chức chương trình khá xa. Vượt qua chặng đường hơn 30km với 2 chuyến xe buýt từ Truông Mít - Củ Chi, Củ Chi-Tân Thạnh Đông, nhóm HS trường THPT Trung Lập (Củ Chi) đến với buổi tư vấn với mong mỏi biết thêm thông tin để lựa chọn nghề thích hợp.

Em Minh Quang, HS Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hóc Môn) cùng nhóm bạn của mình vừa chạy vào hội trường vừa hổn hển kể: “Tụi em đi xe buýt lên, may quá còn kịp. Thầy hiệu trưởng cho tụi em nghỉ buổi học ngoài giờ để đến nghe tư vấn vì thầy nói chương trình này thiết thực, tụi em sẽ biết thêm thông tin về các ngành học để lượng sức mình”.

Đưa hơn 100HS đến với buổi tư vấn, cô Nguyễn Thị Năm, Hiệu phó Trường THPT Phú Hòa (xã Phú Đông, huyện Củ Chi) tâm sự: “Trường Phú Hòa mới xây dựng cách nay 3 năm nên khối 12 năm nay là “lứa con” đầu. Các em rất quan tâm đến tuyển sinh ĐH nhưng trường ở xa quá, thiếu nhiều phương tiện thông tin. Đầu vào của trường cũng thấp nên việc biết trường nào vừa sức của mình vô cùng quan trọng”. Có lẽ vì những tâm trạng như vậy mà sự xuất hiện của các nhà tư vấn tên tuổi: Ts. Nguyễn Đức Nghĩa (ĐH Quốc gia TPHCM), Ths. Trần Thanh Phong (ĐH Nông Lâm), Ths. Trương Hồng Khánh (ĐH Kinh Tế), Th.s Lê Văn Hiển (ĐH Luật), Th.s Đỗ Sĩ Cường (CĐ BC Hoa Sen)… đã nhận được sự đón chào nồng nhiệt.

  • Khát vọng sau lũy tre làng
Học sinh ngoại thành không quan tâm đến điểm ưu tiên ảnh 2

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM  giải đáp thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 cho HS tại Củ Chi. Ảnh: M.H.

Khác với những lo lắng ban đầu là HS ngoại thành sẽ rụt rè, nhiều em mạnh dạn đứng dậy nói lên tâm tư của mình. Hàng trăm câu hỏi được ghi ra giấy chuyển lên tới tấp khiến các nhà tư vấn phải thay nhau trả lời… “mệt xỉu”. Bên cạnh những thắc mắc về những quy định tuyển sinh, tỉ lệ chọi, điểm chuẩn… không ít câu hỏi mang đầy tâm trạng như: “Em đang băn khoăn không biết định hướng cho tương lai như thế nào? Làm sao mình biết mình đủ năng lực để thi vào các trường ĐH, CĐ? Nếu chọn một nghề mình thích nhưng lại đậu vào ngành mình không thích thì liệu có nên học nữa hay không?”.

Ths. Trần Thanh Phong, ĐH Nông lâm TPHCM đã giải đáp nỗi niềm của HS bằng kinh nghiệm cuộc đời cũng như quá trình tư vấn: “Đừng nên nặng nề với việc có nên chọn nghề theo truyền thống của gia đình khi mình không thích. Các em cũng đừng bay bổng quá, phải chọn trường vừa sức mình, xác định mục tiêu học để làm gì, cho ai…”.

Học ngành nào để ra trường có việc làm cũng là mối quan tâm của nhiều HS. Lời khuyên của các nhà tư vấn là: phải học “cho ngon”. Nếu ra trường chưa có việc làm thì hiện nay với cơ chế thoáng, các em có thể học ngành liên thông... TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng giải đáp băn khoăn mang tính thời sự “cử nhân thất nghiệp” của HS bằng phân tích: tỉ lệ 135 SV/10.000 dân của Việt Nam còn khá thấp so với khu vực (Thái Lan là 250 SV/10.000 dân).

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở VN chưa phải là nghiêm trọng. Chính phủ có kế hoạch đến năm 2010 nâng tỉ lệ SV lên 200/ 10.000 dân. Không phải SV ra trường thất nghiệp nhiều mà chính xác là còn ít SV ra trường làm đúng chuyên ngành được đào tạo. Theo khảo sát ngành Sử học ở Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chỉ có 10% SV tốt nghiệp làm đúng nghề (giáo viên hay nghiên cứu ở viện), 90% SV công tác nơi khác nhưng trong số đó có không ít người đảm nhiệm chức vụ cao.

Điều quan trọng là các em cần phải trau dồi kiến thức trên ghế giảng đường, bản lĩnh, tự tin, khả năng giao tiếp với công chúng, tinh thần làm việc tập thể. Các nhà tư vấn khích lệ các em: 70% HS đậu ĐH là HS lớp 12. Các em có ưu thế rất lớn so với thí sinh tự do: đề thi chủ yếu là kiến thức lớp 12, được kiểm tra liên tục nên khả năng ứng phó với kỳ thi cao, thuận lợi về mặt tâm lý.

Câu hỏi nối tiếp câu hỏi. Em Trần Chung Tú, HS Trường THPT Trung Phú khiến ban tư vấn bất ngờ với những câu hỏi sâu về công nghệ nano, vốn chỉ dành cho bậc học sau ĐH. Có em tranh thủ gặp riêng thầy Trương Hồng Khánh để hỏi: “Em quyết tâm làm giám đốc, vậy em nên học ngành nào của Trường ĐH Kinh tế…? Nhà em nghèo, muốn khởi nghiệp từ bây giờ thì bắt đầu từ bao nhiêu… đồng vốn?”…

Hơn 4 giờ trôi qua, vẫn còn nhiều cánh tay nôn nóng giơ lên, nhiều thắc mắc trông chờ được giải đáp. Vượt dự kiến, ban tổ chức đành chia HS ra các phòng để các em cần biết thêm thông tin cụ thể của từng trường sẽ hỏi thêm. Chương trình kết thúc thì trời đã quá giờ ngọ, nhiều HS vẫn còn luyến tiếc, hỏi địa chỉ của báo SGGP, của các trường để gửi thư… thắc mắc tiếp!

Chương trình đã giúp HS rất nhiều thông tin hữu ích

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi đã tư vấn ở nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào các em HS đặt những câu hỏi chững chạc và tự tin như vậy. Các em không quan tâm đến mình thuộc khu vực ngoại thành, khu vực 2, ưu tiên mà những thắc mắc của các em thể hiện những đam mê, mơ ước của mình.
Th.s Trần Thanh Phong: Thiếu thông tin, thiếu điều kiện để được nghe những lời tư vấn cụ thể, HS vùng xa luôn chịu thiệt thòi so với các em HS nội thành. Chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh vốn rất thiết thực nhưng việc báo SGGP chọn địa điểm để tư vấn như Củ Chi hay Nhà Bè là hết sức đáng quý. Chúng tôi giải đáp thắc mắc suốt nửa ngày nhưng vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của các em…

Th.s Trương Hồng Khánh, Th.s Đỗ Sĩ Cường, Th.s Lê Văn Hiển: Cứ ngỡ HS vùng sâu vùng xa thiếu thông tin, nào ngờ các em đặt nhiều câu hỏi hóc búa quá! Sự háo hức của các em làm chúng tôi không còn biết mệt…

Ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú: Không có điều kiện tiếp cận nhiều với các phương tiện truyền thông nên HS ngoại thành rất “khát” thông tin tuyển sinh. Báo SGGP tổ chức chương trình Tư vấn-Hướng nghiệp quy mô như thế này đã giúp cho thí sinh nhiều thông tin hữu ích.

NHÓM PV KHOA GIÁO

Tin cùng chuyên mục