Học sinh “ngồi nhầm lớp” chưa chắc do bệnh thành tích

Câu chuyện một số em học sinh "ngồi nhầm lớp" đang khiến nhiều người nghĩ đến bệnh thành tích trong giáo dục, vì thành tích mà trò bị đẩy lên, không được ở lại lớp dù học kém tới đâu nhưng đối với tôi, đây chưa chắc đã là chuyện bệnh thành tích.

Có thể đối với một vài trường hợp cụ thể, lý do “ngồi nhầm lớp” đơn thuần chỉ là vì thương một đứa học trò trí tuệ chậm phát triển, vốn đã thiệt thòi đủ đường hoặc mong muốn các em không bị thất học vì nếu bị ở lại lớp, sẽ có em mắc cỡ mà nghỉ học luôn.

Học sinh “ngồi nhầm lớp” chưa chắc do bệnh thành tích ảnh 1 Thầy Trương Bá Hải và những học trò khiếm thị của mình tại Trung tâm GDNN-GDTX quận 10, TPHCM. Ảnh minh họa
Đúng 27 năm về trước, em trai tôi – một cậu bé 6 tuổi nhưng vẫn còn nói ngọng – bước vào lớp 1 ở một ngôi trường làng của huyện nghèo, tỉnh Đắk Lắk – nơi học trò người Kinh là thiểu số. Sau 1 năm học, em tôi chỉ nhớ được vài mặt chữ, hỏi đến cái gì cũng không nhớ, vừa được dạy xong đã lại quên.

Nhiều buổi tối, mẹ dạy em học nhưng rồi chỉ được một lúc là em lại nước mắt ngắn nước mắt dài còn mẹ thì bất lực đến phát khóc. Đương nhiên, năm đó em tôi được ở lại lớp. Thêm 1 năm lớp 1 nữa nhưng tình hình chỉ khá hơn một chút.

Hè năm đó, mẹ tôi gửi em đến học tại nhà cô giáo để cô kèm riêng. Hết hè, em tôi tiếp tục học lớp 1 năm thứ 3. Lúc này, mẹ tôi chấp nhận em là dạng chậm phát triển trí tuệ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn cộng với việc thông tin hạn chế, mẹ không thể và cũng không biết làm sao để gửi em đến trường chuyên biệt.

Hết năm thứ 3 học lớp 1, em trai tôi lớn hơn hẳn những đứa bé cùng lớp nên mẹ đến trường xin cho em được lên lớp 2 dù em vẫn chưa đọc viết được. Tình hình cứ như vậy, hết lớp 2 mẹ lại xin cho em lên lớp 3, rồi lớp 4, lớp 5. Em chậm phát triển nên dù đã 12,13 tuổi vẫn ngây ngô như đứa trẻ 8,9 tuổi lại hiền tính nên chẳng quậy phá gì dù là đứa học trò to xác nhất lớp.

Trường làng nên các thầy cô trong trường ai cũng biết rõ về em và tạo điều kiện để em được đến trường, được chơi với những đứa trẻ cùng trang lứa, không hỏi bài em. Hè nào mẹ tôi cũng gửi em đến nhà cô để kèm thêm nhưng kết quả chẳng ăn thua vào đâu.

Hết lớp 5, mẹ cho em tôi nghỉ học ở nhà vì biết có cố nữa cũng chỉ gây khó khăn cho thầy cô giáo mà thôi. Dù sao, em tôi cũng đã có gần chục năm được cắp sách đến trường, được vui chơi hồn nhiên đúng với lứa tuổi tiểu học mà nếu các thầy cô không thương thì chắc chắn em sẽ không bao giờ có được.

Nếu các thầy cô không để em tôi ngồi nhầm lớp thì em chỉ có thể ra vào quẩn quanh bên mẹ và sẽ không đọc viết được ngay cả tên mình. Thầy cô đều là người ở trong làng nên ra vào biết nhau hết, lúc đó trường em cũng không đặt nặng chuyện phải đảm bảo tỷ lệ học sinh lên lớp vì đó là vùng kinh tế mới, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Tôi nhớ trong giờ chào cờ, thầy Hiệu trưởng còn phải nói bằng tiếng Kinh và tiếng Ê Đê vì có những học sinh lớp 1 chưa rành tiếng Kinh. Nhà trường cho em tôi lên lớp không phải vì thành tích hay bằng khen của nhà trường mà đơn giản chỉ vì tình thương đối với cậu bé tội nghiệp – em trai tôi. Nếu nhà trường không thương không biết em sẽ như thế nào?

Rõ ràng trong thực tế có một số rất ít các em học sinh bị chậm phát triển trí tuệ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ rất yếu và cần phải được học ở những trường chuyên biệt. Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể cho con vào trường này. Hơn thế nữa các em này cũng có quyền hòa nhập với cộng đồng mà nhất là những bạn cùng trang lứa. Nếu tách biệt hẳn các em vào một môi trường chỉ toàn những bạn giống mình chưa chắc đã là điều tốt nhất.

Vì vậy, có lẽ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định riêng trong việc đánh giá, xếp loại những học sinh đặc biệt này trong trường hợp các em học chung với học sinh bình thường. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi của các em đồng thời cũng tránh cho nhà trường và các thầy cô khó xử khi bỏ thì thương mà cho lên lớp thì tội.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục