* Khi đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về chất lượng của hệ đào tạo tại chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tóm tắt câu trả lời đầy đủ ý, chỉ trong hai từ: “nguồn thu” và “nồi cơm” của các trường!
* Sau đó, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo “Quy chế đào tạo ĐH-CĐ hình thức vừa học vừa làm” (tại chức) để lấy ý kiến rộng rãi. Điểm nhấn được xem quan trọng nhất là: Thời gian học sẽ kéo dài hơn so với hệ chính quy từ 6 tháng tới 1 năm!

Nhiều cán bộ, công nhân ngoài giờ đi làm vẫn đến giảng đường đại học để nâng cao kiến thức, nghề nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Hàng loạt vấn đề được đặt ra trước những động thái này của Bộ GD-ĐT: Hệ thống GD tại chức trong nền GD Việt Nam - bao gồm từ bậc GD phổ thông đến bậc ĐH-CĐ - nhắm tới mục tiêu gì trong việc đào tạo nguồn nhân lực? Nội dung chương trình học tại chức khác gì với chính quy? Hệ tại chức giữ vai trò gì trong “Xã hội học tập” mà đất nước chúng ta đang vươn tới?
Chúng ta hiểu rằng, nền GD của Việt Nam có quá nhiều bất cập khi đặt vấn đề hội nhập toàn cầu. Và rằng, đó sẽ là nỗi vất vả khôn lường mà tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phải gánh vác trong giờ phút lịch sử này của đất nước.
Ủng hộ Bộ trưởng, để tiếp sức cho ông có thể hoàn thành nhiệm vụ “chấn hưng GD” mà mọi người dân đang mong chờ, đó cũng là sứ mệnh của những người làm báo.
Với tiền đề trên, chúng tôi xin đặt lại toàn cảnh mục tiêu, chương trình của bậc học tại chức trong nền GD Việt Nam, nhằm tìm ra một hướng phát triển thực sự cho hệ đào tạo không kém phần quan trọng này.
Triết lý của hệ đào tạo tại chức là gì? - Chưa rõ!
Nguyên văn câu phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trước Quốc hội được ghi lại như sau: “Tổng số SV tại chức chiếm gần 50% trong các ĐH là nguồn thu quan trọng. Nếu siết lại ngay sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm”.
Vấn đề này phải bàn và phải có lộ trình, vì nếu siết lại ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các trường”. Hình như, khi phát biểu điều trên, Bộ trưởng cũng chưa hình dung trọn vẹn triết lý GD của hệ đào tạo này.
Bởi vậy, nên ngay trên mục “Diễn đàn” trên mạng Edu.net của Bộ GD-ĐT, có nhiều ý kiến đặt vấn đề: Vì sao Bộ trưởng không dám đập bể nồi cơm của GV bậc ĐH, còn với GV phổ thông lại đưa ra dự thảo “cấm” dạy thêm – học thêm, tức đập bể nồi cơm của chúng tôi? Một câu hỏi không dễ trả lời, bởi hệ đào tạo tại chức hiện nay được ngay chính Bộ trưởng cũng xem đơn giản: chỉ là “nồi cơm” của các trường! Chính với góc nhìn chưa thấu đáo, đã đưa đến tình trạng hệ đào tạo này không được chăm sóc đúng mức và bị “rẻ rúng” trong mắt xã hội với câu nói đầy miệt thị: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”! Một “tội đồ”, mà đáng ra nó không phải nhận lãnh!
Việt Nam đã chính thức công bố: tiến tới một xã hội học tập. Nói cho dễ hiểu, đó là một xã hội mà người dân có cơ hội học tập suốt đời. Trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, người lao động cũng có điều kiện học tập, để nâng cao trình độ nghề nghiệp theo kịp với đà tiến như vũ bão của công nghệ. Và chính hệ đào tạo tại chức các cấp học trở thành cái xương sống cho xã hội học tập này phát triển.
Vì sao hệ đào tạo tại chức ở Việt Nam lại bị xã hội rẻ rúng đến như vậy?
“Bằng” tại chức: “bằng” chính quy rút ngắn - “rẻ” là phải!?
Tại nhiều quốc gia, hệ tại chức được xem như một hệ đào tạo thực hành độc lập, tách bạch khỏi hệ chính quy. Hệ đào tạo này đi từ bậc sơ cấp, trung cấp đến ĐH và cả sau ĐH, với một nội dung chương trình đào tạo nặng về thực hành, phục vụ trực tiếp cho thế giới nghề nghiệp, khác hẳn hệ đào tạo chính quy, nặng về nội dung nghiên cứu.
Mục tiêu của hệ tại chức phục vụ cho những người đang đi làm muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp (chứ không phải trình độ nghiên cứu), hay muốn đổi nghề mới cho phù hợp hơn hoặc không có khả năng về kinh tế, năng lực học vấn để theo đuổi hệ chính quy.
Và, khi đang ở hệ đào tạo thực hành muốn chuyển sang hệ nghiên cứu chính quy thì dù ở bậc học nào cũng phải trải qua một kỳ học lấy chứng chỉ hoặc văn bằng bổ túc kiến thức. Tính liên thông là ở đây.
Nhìn lại hệ thống học tại chức ở Việt Nam, chúng ta thấy gì?
Bậc thấp nhất là Bổ túc văn hóa trong khối kiến thức phổ thông. Trước đây bậc học này chỉ dạy bốn môn và “đỉnh cao” một thời là học 2 năm 3 lớp. Tức chỉ cần 2 năm sẽ kết thúc bậc trung học bổ túc! Gần như 100 người vào học thì trên 90% tốt nghiệp. Dư luận kêu ca rất nhiều về lỗ hổng kiến thức của những tú tài bổ túc kiểu này.
Hốt hoảng, Bộ GD-ĐT vội sửa bằng cách gần như bê nguyên si chương trình của hệ phổ thông và rút ngắn bớt một số kiến thức, thế là ra chương trình bổ túc! Với bằng tú tài bổ túc như vậy, học sinh thoải mái đi vào các ĐH chính quy với một lỗ hổng kiến thức phổ thông khá lớn!
Mục tiêu của ĐH tại chức là nhắm tới một bộ phận người lao động đang đi làm muốn nâng cấp trình độ, hoặc một bộ phận sinh viên không có khả năng theo bậc học chính quy. Tuy nhiên, với tư duy “đơn giản”, nội dung chương trình dạy ở hệ tại chức bậc ĐH-CĐ-THCN cũng chỉ là sự rút ngắn bớt chương trình mang nặng màu sắc nghiên cứu của hệ chính quy.
Chúng ta thử hình dung một nguồn nhân lực mà, có kiến thức ở bậc phổ thông thiếu một chút, lên ĐH lại bớt một ít, thì chất lượng sẽ như thế nào!?
Rõ ràng, chúng ta đã sai từ quan điểm khi hình thành hệ đào tạo này. Với hệ “vừa học, vừa làm”, nhất thiết nội dung chương trình đào tạo phải hướng kiến thức người học đến gần với thế giới nghề nghiệp mà họ đang làm hoặc sẽ chọn sau này. Họ không thể và càng không phải là cái “bóng mờ” của hệ đào tạo chính quy!
Một hệ thống đại học “lẩu thập cẩm” - bao giờ chấm dứt!?
Quả là không ngoa khi có nhà giáo đã phải thốt lên: “Hệ thống ĐH của VN như cái lẩu thập cẩm. Bởi “tất tần tật” loại hình đào tạo ĐH được nhốt chung vào một chuẩn chất lượng! Trong đó, ĐH chính quy, ĐH tại chức, ĐH mở, ĐH cộng đồng, ĐH từ xa… đều chung một chương trình học, chỉ gia giảm phần nào kiến thức!”. Điều này có đúng không, khi mỗi mô hình đào tạo có một đối tượng và yêu cầu học tập khác nhau!?
Với yêu cầu của thời đại, ĐH hôm nay không thể chỉ dừng lại ở mô hình đào tạo tinh hoa nữa, yêu cầu phổ cập ĐH là chuyện không thể tránh được trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức. Do đó, đất nước nào dù giàu có đến đâu cũng không đủ sức phát triển chỉ một loại hình ĐH tinh hoa (nghiên cứu), vừa lãng phí về tiền đầu tư, vừa không thể đáp ứng được khả năng học tập của người dân.
Bởi, năng lực học tập và hoàn cảnh học tập cũng như định hướng tương lai nghề nghiệp của mỗi người mỗi khác. Một nền ĐH mềm dẻo là nền ĐH đáp ứng được mọi hoàn cảnh học tập của người dân, đó mới thực sự là một xã hội học tập.
Trên cơ sở đó, hệ thống GD “vừa học, vừa làm” phải được thiết kế lại một chương trình riêng nặng về thực hành, phù hợp cho những người đang đi làm, kể từ bậc học bổ túc văn hóa lên đến ĐH, sau ĐH. Có như thế, chúng ta mới không đẩy người học và dạy vào cái thế… “học giả, bằng thật”!
Mặt khác, vì là hệ đào tạo dành cho người đi làm đã có lương, do đó, việc ngành học này mang lại “nguồn thu” đáng kể cho các trường, thiết nghĩ cũng không có gì là bức xúc và cần phải “siết” lại cả.
Vấn đề chính là thiết kế lại toàn bộ hệ thống “vừa học, vừa làm” từ bậc bổ túc văn hóa lên tới sau ĐH, với một triết lý rõ ràng cho hệ đào tạo này; cùng với nó là cơ cấu liên thông mềm dẻo giữa các hệ, loại hình đào tạo ở các cấp.
Xã hội học tập khuyến khích người ta học tập suốt đời, bất kỳ lúc nào thấy có nhu cầu “nâng cấp” kiến thức, việc mở thật nhiều các lớp “vừa học, vừa làm” là cần thiết, sao lại “siết”! Vấn đề là “mở” như thế nào? Kiểm soát ra sao?
Nếu tiếp tục cắt khúc nghiên cứu, với từng quy chế lẻ mẻ như hiện nay, mà không có một cái nhìn tổng thể, tận gốc sự việc – một căn bệnh lâu đời của ngành GD-ĐT - chúng tôi e rằng chỉ là sự giải quyết theo kiểu “xoa dầu cù-là” hớt ngọn theo đuôi dư luận xã hội!
MAI LAN