
Giáo sư Đại học Stanford (Hoa Kỳ), Jo Boaler, cho rằng: học sinh học các “quy tắc toán học” hiệu quả nhất khi áp dụng chúng trong các chủ đề mà học sinh yêu thích, hơn là qua các bài tập làm tăng nỗi sợ của các em. Áp lực về tốc độ làm bài, giới hạn thời gian kiểm tra và việc ghi nhớ mà không hiểu sẽ làm hỏng những trải nghiệm của học sinh về môn toán.
Chương trình “giảm học vẹt”
“Một quan niệm sai lầm trong toán học, đó là ý kiến cho rằng những học sinh giỏi toán là học sinh làm toán nhanh”, Giáo sư Boaler, tác giả chính trong công trình nghiên cứu mới đây, cho biết. Đồng tác giả công trình với Boaler là Cathy Williams, đồng sáng lập tổ chức YouCubed thuộc Đại học Stanford, và Amanda Confer, nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, Đại học Stanford.
Khung chương trình chuẩn quốc gia Mỹ mới, được biết với tên gọi “Common Core Standards for K-12 schools” đã giảm nhẹ việc học vẹt các quy tắc toán học. Các quy tắc toán học là các giả thiết cơ bản về toán học, ví dụ như bảng tính nhân (2x2=4). Tuy nhiên, sự trông đợi việc học vẹt vẫn còn tiếp diễn ở các lớp học và các gia đình tại Mỹ.
Khi nghiên cứu, Giáo sư Boaler chỉ ra rằng kiến thức về các quy tắc toán học là quan trọng, cách tốt nhất để học sinh nắm được các quy tắc toán học là sử dụng chúng thường xuyên và phát triển hiểu biết đối với các mối liên hệ về số. Áp lực về việc ghi nhớ, về tốc độ và kiểm tra có thể gây hại cho học sinh.
Những người có “khả năng số học” là những người có thể sử dụng các con số một cách linh hoạt. Ví dụ, khi được yêu cầu tính 8x7, người có khả năng số học không chỉ nhớ kết quả là 56, nhưng họ còn có thể sử dụng các cách thức khác để tính, ví dụ như tính kết quả của 10x7 sau đó trừ đi 2 lần 7 (70-14).
Do đó, “họ sẽ tính toán không chỉ dựa vào trí nhớ”, Giáo sư Boaler khẳng định. Thực tế, trong một dự án, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những học sinh giành được thành tích cao thực sự đã sử dụng khả năng số học chứ không chỉ dùng trí nhớ đơn thuần. Kết luận được đưa ra là những người đạt thành tích thấp thường không phải vì họ biết ít hơn mà vì họ không sử dụng số học một cách linh hoạt.
Hiểu chứ không phải nhớ
Giáo sư Boaler cho rằng, một số học sinh có thể ghi nhớ chậm, nhưng các em vẫn có tiềm năng học toán tốt. “Các quy tắc toán là phần rất nhỏ của toán học, nhưng không may những học sinh không ghi nhớ tốt các quy tắc lại nghĩ rằng mình sẽ không giỏi môn toán và chán học toán”, bà Boaler nói.
Ngoài ra, khi học sinh căng thẳng, chẳng hạn khi các em phải giải toán dưới áp lực về thời gian, bộ nhớ làm việc bị chặn lại và học sinh không thể dễ dàng nhớ được các quy tắc toán mà các em đã học trước đó. Việc này thường xảy ra ở những học sinh đạt thành tích cao và những học sinh nữ, bà nói.

Không nên căng thẳng khi học toán. Ảnh mang tính minh họa
Nghiên cứu cho thấy ít nhất một phần ba số học sinh bị căng thẳng cao độ hoặc lo lắng khi các em làm bài kiểm tra toán trong thời gian giới hạn, bất kể học sinh ở trình độ nào. “Khi đặt học sinh vào các trải nghiệm lo lắng khó chịu này, chúng ta đã đánh mất nhiều học sinh của môn toán”, bà Boaler nói.
Giáo sư Boaler so sánh phương pháp phổ biến để giảng dạy toán học với phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Với môn tiếng Anh, học sinh có thể đọc và hiểu tiểu thuyết hoặc thơ mà không cần phải nhớ ý nghĩa của từng từ vựng. Điều này có được do các em đã học từ bằng cách sử dụng chúng trong nhiều tình huống khác nhau: nói chuyện, đọc và viết. "Không có học sinh môn tiếng Anh nào nói rằng việc học tiếng Anh là học cách thuộc và nhớ nhanh các từ", bà nói thêm.
“Thành thạo mà không sợ hãi”
Trong bài nghiên cứu “Thành thạo mà không sợ hãi” (Fluency without fear), Giáo sư Boaler đã đưa ra các phương pháp cho giáo viên và phụ huynh để giúp học sinh học các quy tắc toán đồng thời phát triển khả năng số học. Các phương pháp này gồm những phép tính về số, phép cộng, phép nhân và các thẻ học toán.
Quan trọng hơn, các phương pháp này tập trung vào các hình ảnh trực quan của các quy tắc toán học. Khi học sinh liên hệ hình ảnh trực quan và biểu tượng của số học, các em cũng đang sử dụng những đường lối khác nhau trong não bộ và làm cho việc học được sâu hơn, như nghiên cứu về não bộ gần đây đã chỉ ra.

Bà nói rằng “Thành thạo môn toán" thường bị hiểu sai khi quá nhấn mạnh vào tốc độ và việc ghi nhớ. "Tôi làm việc với rất nhiều nhà toán học và một điều tôi nhận thấy là họ không hề phản ứng nhanh với những con số. Trên thực tế, một vài người trong số họ khá chậm. Việc này không phải là một điều xấu. Họ chậm vì họ nghĩ sâu và tỉ mỉ về toán học”.
Giáo su Boaler nhắc đến nhà toán học nổi tiếng người Pháp Laurent Schwartz, người đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng ông thường cảm thấy mình rất tối dạ khi còn đi học. Ông còn là một trong những người nghĩ chậm nhất khi giải toán trong lớp. “Nỗi lo âu và sợ hãi với môn toán là nguyên nhân lớn khiến học sinh bỏ học môn toán”, Boaler nói.
“Khi chúng ta quan trọng hóa việc ghi nhớ và kiểm tra đến mức thuộc lòng, tức là chúng ta đang làm hại những đứa trẻ, đang mạo hiểm tương lai của xã hội và đe dọa toán học. Mọi người đều cần có kiến thức cần thiết để thay đổi điều này và giúp mọi trẻ em trở thành những người học toán đầy tiềm năng. Giờ là lúc chúng ta sử dụng nó”, bà nói.
PHƯƠNG CHINH